LÀM VIỆC CỦA NGÂN HÀNG THẾ GIỚI VÀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI VỚI PHÒNG GIÁO DỤC BÌNH LIÊU TỈNH QUẢNG NINH


29-07-2021
Hoạt động gặp gỡ với các Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo nằm trong chuỗi hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới với Chương trình ETEP từ cấp độ trung ương đến địa phương và đến đối tượng thụ hưởng của Chương trình. Thông qua lấy ý kiến của các bên liên quan, việc hỗ trợ kỹ thuật này giúp cho các bên liên quan từ Sở, Phòng và giáo viên thống nhất cách hiểu và cách làm đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai Chương trình. Trong khuôn khổ đợt hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới với Trường ĐHSP Hà Nội, Nhà trường đã tổ chức buổi làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh trong đó có nội dung làm việc với các đối tượng giáo viên cốt cán (GVCC), giáo viên đại trà, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán (CBQLCSGDPTCC) và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Do diễn biến phức tạp của dịch COVID nên cuộc họp này được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tham dự buổi làm việc có đại diện của Ngân hàng Thế giới - bà Võ Kiều Dung, chuyên gia giáo dục cao cấp, chủ nhiệm Chương trình ETEP; đại diện đơn vị kiểm đếm độc lập (IVA); đại diện BQL Chương trình ETEP Trung ương; đại diện Học viện Quản lý Giáo dục; BQL Chương trình ETEP Trường ĐHSP Hà Nội; Sở GDĐT Quảng Ninh cùng với Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu và các đối tượng GVCC, giáo viên đại trà, CBQLCSGDPTCC và cán bộ quản lý.

Tại cuộc họp, các đại biểu lắng nghe báo cáo trình bày về công tác bồi dưỡng giáo viên và đánh giá theo chuẩn (TEMIS) của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu. Bình Liêu là huyện vùng núi, biên giới của tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có tỷ lệ rất lớn học sinh và giáo viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự chỉ đạo kịp thời, đầy đủ các của Bộ, Sở, công tác bồi dưỡng GVPTCC và đại trà của Phòng Giáo dục huyện Bình Liêu đã đạt được một số kết quả khả quan. Về công tác bồi dưỡng giáo viên cốt cán: Số GVCC của Phòng tham gia Chương trình ETEP là 13 người, đã hoàn thành các mô đun bồi dưỡng của ETEP. Về công tác bồi dưỡng giáo viên đại trà: Phòng Giáo dục và Đào tạo Bình Liêu đã chủ động phân chia số lượng GVCC hỗ trợ đại trà. Đôn đốc, cập nhật 372 giáo viên đại trà hoàn thành các mô đun bồi dưỡng. Về báo cáo TEMIS: Phòng Giáo dục đã sử dụng báo cáo TEMIS để đánh giá giáo viên theo chuẩn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai học tập qua hệ thống LMS có một số khó khăn như nghẽn đường truyền khi truy cập cùng thời điểm; GVCC khi chuyển sang đại trà, phải bồi dưỡng lại các mô đun; số lượng GVCC không đủ cho các môn học gây khó khăn trong việc hỗ trợ đồng nghiệp. Bên cạnh đó, chưa có hướng dẫn về chi trả chế độ đối với GVCC hướng dẫn hỗ trợ đồng nghiệp đại trà. Phòng Giáo dục và Đào tạo Bình Liêu cũng có đề xuất được tham gia các lớp bồi dưỡng về việc xây dựng và sử dụng báo cáo TEMIS.

Tại buổi làm việc này, Ngân hàng Thế giới cũng được lắng nghe ý kiến của giáo viên và cán bộ quản lý về tính phù hợp của mô hình bồi dưỡng 5-3-7, về phương thức bồi dưỡng giáo viên qua lớp học ảo; về sự hỗ trợ từ đồng nghiệp là giáo viên cốt cán đối với giáo viên đại trà, liên hệ với các chương trình bồi dưỡng trước đây và những thuận lợi, khó khăn khi  đánh giá trên hệ thống TEMIS năm 2021. Cuộc họp được lắng nghe ý kiến của cô giáo Lê Thị Thuỷ (GVCC môn Toán - THCS Thị Trấn Bình Liêu); cô giáo Lê Thị Hợp (GVCC môn Lịch sử - Địa lí: THCS Tình Húc); cô Trần Thị Ngoan (GVCC môn Ngữ văn). Các GVCC đều thống nhất rằng: Mô hình bồi dưỡng giáo viên theo hình thức 5-3-7 có ưu thế vượt trội. Học qua mạng giúp GV học mọi lúc, mọi nơi, học lại nhiều lần; Tài liệu đầy đủ, cập nhật. GV có thể lựa chọn tài liệu theo đúng yêu cầu của mình. Đối với GVCC của Phòng Giáo dục và Đào tạo Bình Liêu được phân công chấm bài cho giáo viên đại trà rất kịp thời. Tuy nhiên, khi học trực tuyến: việc trao đổi trực tiếp với giảng viên sư phạm chủ chốt và đồng nghiệp ở địa phương khác còn hạn chế.

Cô giáo Lương Thị Vân  (Giáo viên đại trà môn Toán, Trường THCS Vô Ngại) đã đánh giá sự phù hợp và khó khăn đối với giáo viên đại trà khi học tập trên LMS. Theo cô, những thuận lợi khi được tham gia các mô đun bồi dưỡng GV đại trà là: nội dung và phương pháp hỗ trợ phù hợp; trình độ công nghệ thông tin của giáo viên tiến bộ hơn; đánh giá rõ ràng, minh bạch, chính xác; học liệu mở, phong phú. Các khó khăn của giáo viên là: thời gian học tập cho từng mô đun ngắn; hệ thống mạng đôi lúc có hiện tượng bị nghẽn; một số khái niệm mang tính hàn lâm. Cô cũng đưa ra đề xuất: cần có thêm những ví dụ, video bổ sung đối với các mô đun bồi dưỡng tiếp theo.

Một số cán bộ quản lý của Phòng Giáo dục và Bình Liêu cũng đánh giá cao hiệu quả của mô hình bồi dưỡng 5-3-7, tuy nhiên về tài liệu của cán bộ quản lý vẫn còn mang tính hàn lâm.

Trong buổi làm việc, đại diện của Ban quản lý Chương trình ETEP, đại diện Học viện Quản lý giáo dục cũng đưa ra các ý kiến trao đổi, giải đáp về các nội dung nêu trên.

Qua cuộc họp Ngân hàng Thế giới đánh giá cao vai trò dẫn dắt của các trường ĐHSP chủ chốt. Ngân hàng Thế giới cũng ghi nhận đối với đề xuất của Phòng Giáo dục và Đào tạo về hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng và sử dụng báo cáo TEMIS, BQL ETEP cần lưu ý với đề xuất này. Về tài liệu bồi dưỡng, các trường đại học sư phạm và Học viện Quản lý Giáo dục cần nghiên cứu và tiếp tục hoàn thiện các tài liệu ở dạng e-course.

Một số hình ảnh của buổi làm việc:

Hình ảnh từ đầu cầu Ban quản lý ETEP Trung ương

Hình ảnh từ đầu cầu Ban quản lý ETEP Trường ĐHSP Hà Nội

Hình ảnh từ đầu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh

Bà Võ Kiều Dung, Chủ nhiệm Chương trình ETEP, phát biểu

Ban Truyền thông ETEP – HNUE


Người đăng:quangcntt
29-07-2021
Các bài viết cùng chuyên mục

Tin tức - Sự kiện