Cần giáo dục nghệ thuật cho sinh viên Sư phạm


28-01-2019

Khoảng trống giáo dục nghệ thuật là có thật

Giáo dục Việt Nam là một nền giáo dục chú trọng vào thành quả nhìn thấy trước mắt. Mọi mục tiêu giáo dục và học tập dường như đều hướng tới một mục tiêu rất cụ thể, dễ đong đếm. Theo đó một số nội dung giáo dục được cho là phụ, là không quan trọng đã bị bỏ quên, trong đó có giáo dục nghệ thuật. Chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là bậc Trung học phổ thông thực tế đã để trống các môn học nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, các học sinh không có khả năng dự thi vào các trường nghệ thuật nếu như không tham gia lớp học gọi là “ôn thi”. Điều trớ trêu là, chính các em chưa từng được học như các môn học khác, cho nên sau khi vào đại học, đa số sinh viên thiếu hẳn kiến thức về nghệ thuật, năng lực thẩm mỹ và cảm thụ nghệ thuật là thấp.

Trên thực tế, khi các học sinh Việt Nam đi du học, hồ sơ rất cần kết quả hoạt động các môn nghệ thuật nhưng đa số không có được. Sau khi trở thành sinh viên đại học, họ phải chịu áp lực không nhỏ bởi sự kém cỏi về nghệ thuật của mình so với các sinh viên quốc tế. Không có khả năng cảm thụ nghệ thuật là một trong những lý do khiến sinh viên Việt Nam khó hòa nhập. Và ngay cả khi học đại học ở trong nước cũng tương tự. Ở trường đại học, các sinh viên thiếu hẳn một sân chơi nghệ thuật đúng nghĩa. Một số hoạt động nghệ thuật nếu có chỉ mang tính quần chúng, không đóng góp nhiều cho nhận thức thẩm mỹ. Hầu hết các trường đại học đều không đánh giá đúng vai trò của môn học cũng như tầm quan trọng của các sân chơi nghệ thuật cho sinh viên. Không có môi trường giải trí tinh thần lành mạnh và trí tuệ làm cho một số sinh viên lạc lối, sa vào tệ nạn.

Các sinh viên sư phạm cũng không nằm ngoài nguy cơ vừa nêu. Trong khi đó, họ sẽ là đội ngũ nắm trong tay vận mệnh của nền giáo dục trong tương lai gần, hình thành các năng lực cơ bản cho trẻ em, bao gồm cả năng lực thẩm mỹ. Không cần phải là giáo viên nghệ thuật, một giáo viên đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến học sinh của họ ở rất nhiều mặt bao gồm cả thẩm mỹ của họ. Thị hiếu thẩm mỹ thấp kém là một thực tế đang tồn tại, ngay cả trong môi trường giáo dục phổ thông, nhưng không được xã hội nhìn nhận đúng.

Có nên giáo dục nghệ thuật cho sinh viên sư phạm?

Giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam còn rất hạn chế. Thế hệ trẻ thật thiệt thòi. Vì vậy, chúng tôi thiết nghĩ, nhà trường sư phạm cần thay đổi quan niệm về môn học. Cần hiểu hơn nữa về giáo dục khai phóng, như các nước tiên tiến đã làm từ lâu. Theo quan điểm của chúng tôi, vấn đề chương trình đào tạo mở là bao gồm việc sinh viên được chọn lĩnh vực mình thích, đồng thời cũng cần định hướng cho họ những lĩnh vực họ nên biết, trong đó có cơ hội hiểu biết về nghệ thuật. Mặc dù nghệ thuật là một lĩnh vực có tính chuyên biệt cao, song lại không khó để sinh viên có được kiến thức tối thiểu dựa vào hệ thống các môn học nghệ thuật tự chọn. Trên thực tế, đã có một số trường đại học giảng dạy về cảm thụ nghệ thuật và rất nhiều sinh viên theo học môn học này. Sau những bài học có tính đại cương về nghệ thuật, các lý thuyết và phương pháp tiếp cận nghệ thuật, nhiều sinh viên có thể cảm thụ được những tác phẩm nghệ thuật và bước đầu lí giải được nội dung thẩm mỹ hàm chứa trong tác phẩm. Kết quả đó xem như đã mở ra một cánh cửa mới để bước vào thế giới nghệ thuật vốn bị coi là bí ẩn và khó hiểu.

Trong xu thế hội nhập, nếu giáo viên không có sự hiểu biết nhất định, không có năng lực thẩm mỹ thì sẽ là một thiệt thòi lớn cho nền văn hóa Việt Nam. Suy cho cùng, nền văn hóa của một dân tộc có liên quan mật thiết đến năng lực thụ cảm và sự hiểu biết để ứng xử với văn học nghệ thuật. Thế giới biết đến châu Phi là bởi nền nghệ thuật của thổ dân, biết đến nền văn minh Ai Cập, La Mã không chỉ bởi thành tựu khoa học mà là bởi nền nghệ thuật của họ. Nhạc sĩ  Mozart có thể khiến ta biết đến nước Áo, cũng như danh họa Vangogh nhắc ta nhớ đến Hà Lan, hay tà áo dài do họa sĩ thiết kế ra đã là hiện thân của Việt Nam trên khắp năm châu…

Gần đây nhiều quan niệm sai lệch về giá trị sống, về thẩm mỹ và vẻ đẹp, về các giá trị văn hóa ngoại nhập là phổ biến cũng chỉ vì thiếu kiến thức về văn hóa nghệ thuật. Nhiều khi một giá trị đích thực của nền văn hóa phương Tây lại được suy diễn và vận dụng thành một phong cách hay quan niệm sống có phần lệch chuẩn. Đồng thời cũng không thiếu các gu thẩm mỹ tệ hại được lan truyền nhanh chóng thành hiệu ứng đám đông và định hướng nhận thức xã hội. Những điều như thế là đặc biệt nguy hại, thế nhưng không phải có thể nhận thức được ngay vì nó âm thầm gặm nhấm thẩm mỹ dân tộc và thẩm mỹ thời đại.

Là sinh viên sư phạm thì phải có năng lực cảm thụ nghệ thuật ở mức tối thiểu để xứng đáng trở thành tầng lớp trí thức sau khi ra trường. Để sinh viên có thể tự tin bước vào các bảo tàng mỹ thuật, hay đủ kiên trì nghe một chương trình âm nhạc thính phòng là điều nhà trường đại học cần suy nghĩ. Theo đó các môn học nghệ thuật là một con đường ngắn và hiệu quả nhất. Sâu hơn một chút về khoa học. Có bao nhiêu trong chúng ta hiểu được các định luật vật lý hiện diện trong những tác phẩm nghệ thuật. Các bạn có tin là họa sĩ từng vẽ ra nhiều lý thuyết trước cả nhà vật lý hay nhà toán học? Tỷ lệ vàng xuất hiện từ toán học hay nghệ thuật? Nhân tiện các bạn hãy tìm hiểu thêm về sự ra đời của bộ đồ lặn, tàu ngầm. Như chúng ta đã biết là nó được tưởng tượng ra bởi nhà văn Jules Verne chứ không phải một nhà khoa học cơ bản. Và rất nhiều sáng tạo khoa học khác, xuất pháp từ ý tưởng của nghệ thuật mà ngày nay đã trở thành sự thật. Tôi hiểu là, sinh viên không phải chỉ học lịch sử nghệ thuật, cũng không nhất thiết học thực hành nghệ thuật. Chỉ cần hiểu về các nguyên lý của các nghệ thuật và tạo ra một thói quen tư duy phản biện bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Những kiến thức như vậy không cần năng khiếu chuyên biệt, ai cũng học được và cần được học.

Hơn hết thảy, hãy đừng cho rằng người phương Tây họ thông minh hơn. Cũng đừng cho rằng thẩm mỹ của một anh “Tây ba lô” là hơn hẳn trí thức của ta. Chỉ đơn giản là họ đã được học. Phổ kiến thức của một học sinh phổ thông của họ đã đủ để thụ hưởng các giá trị nghệ thuật. Vậy mà khi vào đại học, họ vẫn tiếp tục được chọn các môn nghệ thuật cho khóa học của mình, bất kể là bạn học toán, kinh tế, y khoa hay lĩnh vực nào khác. Vậy thì sao chúng ta lại từ chối các môn học nghệ thuật?

Cuối cùng, như đã nói ở trên, trong xã hội hiện đại, áp lực công việc và cuộc sống là rất lớn sẽ khiến nhiều người bị stress. Ở hoàn cảnh đó, nghệ thuật sẽ giúp chúng ta có thể xả bớt những áp lực ấy. Sẽ may mắn hơn cho những ai có một niềm đam mê nho nhỏ về nghệ thuật để cân bằng tâm lí. Nghệ thuật là một liều thuốc tinh thần, nhưng để nó có tác dụng, chúng ta cần được cung cấp những kiến thức tối thiểu mới mong có cơ hội khám phá bản thân.

Lời kết

Trong bối cảnh hiện nay, thật khó để đòi hỏi một nhà trường đại học đổi mới một cách bền vững. Rồi đây, khi mà giáo dục trở thành dịch vụ đúng nghĩa của nó thì lại càng khó hơn cho những nội dung dạy học xa xỉ như nghệ thuật. Một xã hội văn minh là bởi từng cá nhân trở nên văn minh nhờ được học. Chỉ có một nền giáo dục toàn diện mới có thể phát triển đầy đủ khả năng tiềm tàng của con người. Trong đó giáo dục thẩm mỹ là một yêu cầu bắt buộc. Phải được học cảm thụ nghệ thuật để trở thành con người toàn diện. Nhất là ở Việt Nam, trong khi giáo dục phổ thông còn đang chưa thể giải quyết được, thì các nhà trường sư phạm cần phải nhìn xa hơn.

Ở Việt Nam các nhà khoa học cơ bản là thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên.

TS. Phạm Văn Tuyến

Người đăng:admin admin
28-01-2019

Tin mới nhất