Chuẩn hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông có hiệu lực từ ngày 4/9/2018


04-09-2018
Ngày 20/7/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT quy định Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.

Quy định Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông áp dụng với hiệu trưởng trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đây là căn cứ để hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Quy định cũng là căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá phẩm chất, năng lực của hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; lựa chọn, sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.

Quy định cũng là căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục xây dựng, phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Ngoài ra, Quy định còn làm căn cứ để các phó hiệu trưởng thuộc diện quy hoạch chức danh hiệu trưởng; giáo viên thuộc diện quy hoạch các chức danh hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng tự đánh giá, xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện, học tập phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường.

Theo quy định, Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông bao gồm 5 tiêu chuẩn với 18 tiêu chí.

Tiêu chuẩn “Phẩm chất nghề nghiệp” có 3 tiêu chí với các yêu cầu: Thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp, có ảnh hưởng tích cực tới cán bộ quản lý cơ sở, có tư tưởng đổi mới trong lãnh đạo, quản trị nhà trường nhằm phát triển phẩm chất, năng lực cho tất cả học sinh...; Có năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân như đổi mới, sáng tạo trong việc vận dụng các hình thức, phương pháp và lựa chọn nội dung học tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ bản thân;

Tiêu chuẩn” Quản trị nhà trường” có 7 tiêu chí. Theo đó, yêu cầu hiệu trưởng biết lãnh đạo, quản trị các hoạt động trong nhà trường đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, phù hợp với phong cách học tập đa dạng, nhu cầu, sở thích và mức độ sẵn sàng học tập của mỗi học sinh.

Chẳng hạn, biết tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường, quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản trị nhân sự nhà trường bằng cách dùng người và bố trí nhân sự hiệu quả; quản trị tổ chức, hành chính với việc sắp xếp bộ máy hiệu quả; phân cấp, ủy quyền, ứng dụng công nghệ thông tin; quản trị tài chính nhà trường bằng huy động các nguồn tài chính hợp pháp theo quy định nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường..

Tiêu chuẩn “Xây dựng môi trường giáo dục” yêu cầu hiệu trưởng tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường.

Tiêu chuẩn “Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội” yêu cầu hiệu trưởng tổ chức các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và huy động, sử dụng nguồn lực để phát triển nhà trường.

Tiêu chuẩn cuối cùng là “Sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin” được đánh giá với 2 tiêu chí về thành thạo những kỹ năng này.

Về quy trình đánh giá, Thông tư nêu rõ: Hiệu trưởng tự đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng; Nhà trường tổ chức lấy ý kiến giáo viên, nhân viên trong trường đối với hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng.

Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện đánh giá và thông báo kết quả đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng trên cơ sở kết quả tự đánh giá của hiệu trưởng, ý kiến của giáo viên, nhân viên và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng thông qua các minh chứng xác thực, phù hợp.

Hiệu trưởng tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm học.

Cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá hiệu trưởng theo chu kỳ hai năm một lần vào cuối năm học. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan quản lý cấp trên quyết định rút ngắn chu kỳ đánh giá.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 4/9/2018.

Thông tư này thay thế Thông tư số 14/2011/TT-BGDĐT ngày 08 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định Chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học và Thông tư số 29/2009/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định Chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

PV

Người đăng:SuperUser Account
04-09-2018

Chuyển động ETEP