Mô đun 4 về: “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”.
Đã có 76 giáo viên phổ thông cốt cán của 3 cấp Tiểu học, THCS, THPT và 15 giảng viên sư phạm chủ chốt tham gia vào 15 phòng phỏng vấn trực tuyến. Việc lựa chọn đối tượng tham gia phỏng vấn tuân thủ theo bước 12 và 15 của quy trình: Đối với giáo viên phổ thông cốt cán đảm bảo 6 giáo viên/tỉnh thành, 2 giáo viên/bậc học, ngoài ra còn gửi phiếu xin ý kiến riêng đối với giáo viên thuộc vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn; Đối với giảng viên sư phạm chủ chốt phỏng vấn từ 12 – 15 người, gửi phiếu xin ý kiến qua thư điện tử đến 100% giảng viên. Các cuộc phỏng vấn trực tuyến và phiếu xin ý kiến tập trung vào một số vấn đề chính như: (1) Mục tiêu, nội dung, phương pháp bồi dưỡng; (2) Nhận xét và góp ý về tài liệu bồi dưỡng; (3) Sự hỗ trợ trước và trong quá trình bồi dưỡng; (4) Sự chuẩn bị với vai trò là giảng viên sư phạm chủ chốt và giáo viên phổ thông cốt cán; (5) Đánh giá tác động của mô đun bồi dưỡng và (6) Những khuyến nghị đề xuất.
Trước đó, hoạt động giám sát cũng được tiến hành trong 7 ngày tự học trực tuyến của giáo viên phổ thông cốt cán trên hệ thống LMS nhằm hỗ trợ, thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ học tập của giáo viên khi tham gia tập huấn trực tiếp 2 ngày tiếp theo.
Ban tổ chức đã lắng nghe và ghi nhận được nhiều thông tin chia sẻ từ giáo viên phổ thông cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt về tình hình thực tế trong quá trình tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng. Nhìn chung, đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt đều hài lòng về hiệu quả đã đạt được của đợt bồi dưỡng mô đun 4 vừa qua. Mục tiêu và nội dung của mô đun được đánh giá là hữu ích cho giáo viên để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ban tổ chức cũng nhận được nhiều góp ý quý báu của giảng viên và giáo viên về tài liệu, những ý kiến này sẽ được chuyển đến Ban biên soạn tài liệu để có thể xem xét chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn. Sự hỗ trợ từ phía Ban quản lý Chương trình ETEP Trung ương cũng như Ban quản lý Chương trình ETEP Trường ĐHSP Hà Nội trước và trong quá trình bồi dưỡng cũng nhận được những phản hồi tích cực. Việc xây dựng cộng đồng học tập trên lớp học ảo được đánh giá tốt. Tuy bồi dưỡng qua lớp học ảo có những cản trở nhất định, nhưng sự tương tác, trao đổi, chia sẻ giữa các giảng viên sư phạm với nhau, giữa giảng viên sư phạm với giáo viên và giữa các giáo viên vẫn được nhận định là tích cực và hiệu quả. Qua đó, các giáo viên phổ thông cốt cán đã lĩnh hội được những kiến thức, kỹ năng về xây dựng kế hoạch giáo dục và dạy học, đặc biệt là xây dựng kế hoạch dạy học môn học và kế hoạch bài dạy, để có thể áp dụng trực tiếp vào quá trình dạy và học ở trường phổ thông, hỗ trợ đồng nghiệp, phát triển năng lực chuyên môn của giáo viên và nâng cao kết quả học tập của học sinh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ban tổ chức cũng nhận được nhiều ý kiến chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo được đưa ra rất khác biệt so với quá trình bồi dưỡng trực tiếp. Đặc biệt, Ban tổ chức đã lắng nghe ý kiến của các giáo viên phổ thông cốt cán ở vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và sự nỗ lực hết mình để khắc phục những khó khăn khi tham gia lớp tập huấn bồi dưỡng của giáo viên với hiệu quả thu được tốt nhất. Thông qua các thông tin thu nhận được, Ban tổ chức - Ban quản lý Chương trình ETEP Trường ĐHSP Hà Nội sẽ rút ra những bài học, kinh nghiệm quý vận dụng cho các đợt bồi dưỡng tiếp theo; những khuyến nghị, đề xuất được ghi nhận; những vấn đề còn nhiều vướng mắc, băn khoăn sẽ được tháo gỡ và điều chỉnh cho phù hợp.
Dưới đây là một số hình ảnh của giảng viên sư phạm chủ chốt và giáo viên phổ thông cốt cán tham gia vào các phòng phỏng vấn trực tuyến.