Chương trình 27 môn học giáo dục phổ thông mới


02-01-2019
Đặc điểm môn học, mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt đều được nêu cụ thể ở chương trình mới của từng môn học.

 

Tối 27/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới với chương trình tổng thể và chi tiết 27 môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình được chia thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12).

Tổng thể Khoa học tự nhiên Tiếng Anh 1-2
Ngữ văn Vật lý Tiếng Anh 3-12
Toán Hóa học Tiếng Đức
Giáo dục công dân Sinh học Tiếng Nhật
Tự nhiên và Xã hội Công nghệ Tiếng Hàn
Lịch sử và Địa lý Tiểu học Tin học Tiếng Pháp
Lịch sử và Địa lý THCS Âm nhạc Tiếng Nga
Lịch sử Mỹ thuật Tiếng Trung
Địa lý Giáo dục thể chất  
Khoa học Hoạt động trải nghiệm  

Giáo dục cấp tiểu học gồm 11 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Toán; Tiếng Việt; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (lớp 3, 4, 5); Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2, 3); Lịch sử và Địa lý (lớp 4 và 5); Khoa học (lớp 4, 5); Tin học và Công nghệ (lớp 3, 4, 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm. Hai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (lớp 1, 2).

Nội dung giáo dục THCS gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.

Học sinh tiểu học trong kỳ thi Toán học Kangaroo năm 2018. Ảnh: Dương Tâm

Nội dung giáo dục THPT gồm 7 môn học và hoạt động bắt buộc gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Cấp THPT có năm môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Nhóm khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết cho biết, chương trình mới vừa kế thừa, phát triển những ưu điểm của chương trình hiện hành, vừa khắc phục hạn chế. Theo mô hình hiện nay, kiến thức vừa là chất liệu, đầu vào, vừa là kết quả, đầu ra của quá trình giáo dục. Vì vậy, học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều, nhưng khả năng vận dụng vào đời sống hạn chế.

Theo cách tiếp cận mới, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức đã học. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung, phương pháp và đánh giá kết quả giáo dục.

Theo Dương Tâm (VnExpress)

Người đăng:Phạm Thị Hiền
02-01-2019

Chuyển động ETEP