Chương trình GDPT mới: Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp


10-05-2019

Điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông mới là dạy học tích hợp để phát huy năng lực của học sinh. Đây là sự thay đổi căn bản về chương trình đào tạo so với cách dạy truyền thống trước đây và điều này tất yếu đòi hỏi giảng viên sư phạm phải đổi mới, lựa chọn phương pháp sư phạm phù hợp, cách thức tổ chức dạy học để nhằm đạt được mục tiêu.

HS Trường THCS Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Trịnh Huyền

HS Trường THCS Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Trịnh Huyền

Giúp giáo viên sẵn sàng thực hiện những nội dung tích hợp

Theo Ban soạn thảo, Chương trình GDPT mới sẽ thực hiện dạy học tích hợp theo 3 định hướng: Tích hợp nội môn (tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau trong cùng một môn học), tích hợp liên môn (tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau, ở mức cao là xây dựng các môn học tích hợp) và tích hợp xuyên môn (tích hợp một số chủ đề quan trọng vào nội dung chương trình nhiều môn học).

Trước đòi hỏi cấp bách của Chương trình GDPT mới, các trường sư phạm đã và đang tích cực tham gia tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho giáo viên phổ thông.

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Trưởng khoa Quản lý Giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: Trước yêu cầu của việc thực hiện chương trình mới, dạy học theo hướng tích hợp đã được các giảng viên sư phạm nghiên cứu lý luận, thực tiễn, trong nước, ngoài nước. Những vấn đề về xây dựng chủ đề dạy học tích hợp, cách thức giảng dạy và đánh giá đã được biên soạn thành nhiều tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy trong trường sư phạm cũng như bồi dưỡng giáo viên, giúp giáo sinh và các giáo viên hiểu đúng, thực hiện đúng tinh thần của dạy học tích hợp, nhằm hình thành năng lực thực hiện ở người học. 

Các trường sư phạm đã và đang đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tạo ra những module có tính kết nối các lĩnh vực khoa học với nhau, các khoa cũng ngồi lại với nhau cùng xây dựng chương trình. Điều này sẽ giúp cho các giáo viên tương lai sẵn sàng thực hiện những nội dung tích hợp trong chương trình mới.

    

Thầy và trò hào hứng với mô hình giáo dục STEM. Ảnh: Giáo dục thời đại

 

Có thể bồi dưỡng GV tại các địa phương

Thực tế, dạy học phân hóa, dạy học cá biệt, dạy học tích hợp là những năng lực còn yếu kém ở đại bộ phận GV hiện nay. Từ trước tới nay giáo viên đã được đào tạo về dạy học phân hóa, dạy học cá biệt và thậm chí hiểu về dạy học tích hợp. Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan điều này chưa được nhận diện rõ ràng và chú trọng thực hiện trên thực tiễn. 

Khẳng định việc dạy học tích hợp không đơn giản, vì từ lâu các trường sư phạm chỉ quen đào tạo giáo viên dạy các môn học riêng rẽ, tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền cho rằng: “Khi được đánh giá là “còn yếu kém” thì chắc chắn đó là nội dung cần được chú trọng bồi dưỡng. Việc bồi dưỡng ở đây trước hết là nâng cao nhận thức cho giáo viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của dạy học phân hóa, dạy học cá biệt, dạy học tích hợp. Sau đó năng lực thực hiện của giáo viên cũng cần được đánh giá và củng cố”. 

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, việc đào tạo giáo viên trong các nhà trường sư phạm dù là đối tượng sinh viên ở vùng miền nào cũng đều được thực hiện theo chương trình cập nhật, bám sát yêu cầu của Chương trình phổ thông mới và Chuẩn nghề nghiệp giáo viên. 

Với vùng sâu, vùng xa, Nhà nước luôn có những chính sách hỗ trợ về học bổng để sinh viên đến từ các khu vực còn khó khăn như vùng sâu vùng xa có điều kiện học tập thuận lợi, không bị tụt hậu so với sinh viên các vùng miền khác trên cả nước.

Ngoài ra, các khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cũng có thể được mở tại các địa phương để các giáo viên ở đây có điều kiện tham gia khoá học, cập nhật với những yêu cầu của Chương trình mới. 

Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay thì công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với giáo dục nói chung và đào tạo, bồi dưỡng GV nói riêng, việc phát huy vai trò của công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy học là rất quan trọng. 

Đối với vấn đề hỗ trợ hoạt động tự học, tự nghiên cứu, các hệ thống học tập trực tuyến e-Learning và những trang mạng hỗ trợ học tập khác sẽ giúp giảm bớt chi phí, thời gian, công sức của chúng ta trong khâu tổ chức lớp, đồng thời giúp người học học tập chủ động mọi lúc, mọi nơi.

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, việc đào tạo giáo viên trong các nhà trường sư phạm dù là đối tượng sinh viên ở vùng miền nào cũng đều được thực hiện theo chương trình cập nhật, bám sát yêu cầu của Chương trình phổ thông mới và Chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Nhiều trang mạng và ứng dụng công nghệ hỗ trợ người dạy lưu trữ học liệu cũng như chia sẻ, hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp đánh giá kết quả học tập, giúp hoạt động dạy học đạt hiệu quả cao hơn. 

Chương trình giáo dục mới có nhiều tiếp cận tiên tiến và học hỏi của nhiều nước có nền giáo dục phát triển. Chính vì thế, những kinh nghiệm thành công của các quốc gia khác sẽ cho chúng ta bức tranh rõ ràng hơn về cách thức thực hiện đổi mới chương trình. 

Trong đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên, nhiều năm qua các dự án giáo dục của nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam, các chuyên gia giáo dục của nước ngoài đã đến Việt Nam và giúp giáo viên Việt Nam hiểu và thực hiện được đổi mới dạy học.

Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu giáo dục, bồi dưỡng giáo viên nhất là trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là rất cần thiết.

Theo Lê Đăng (GD&TĐ)

Người đăng:Phạm Thị Hiền
10-05-2019

Chuyển động ETEP