Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thành bại ở giáo viên


23-01-2019

Có bột mới gột nên hồ, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thành công, có 2 yếu tố là giáo viên và cơ sở vật chất. Trong đó, theo như khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, thành bại hay không của chương trình giáo dục phổ thông mới này là ở đội ngũ giáo viên.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết tính đến tháng 10/2018, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông toàn quốc có 1.161.143 người (công lập 1.089.837, ngoài công lập 71.306). Trong đó, mầm non: 309.770 (công lập 262.155, ngoài công lập 47.615); tiểu học: 395.848 (công lập 390.873, ngoài công lập 4.975); THCS: 305.815 (công lập 300.990, ngoài công lập 4.825); THPT: 149.710 (công lập 135.819, ngoài công lập 13.891).

Ở tiểu học, so với định mức quy định giáo viên tiểu học còn thiếu chủ yếu ở các môn ngoại ngữ, tin học. Ở cấp THCS, so với định mức quy định, giáo viên THCS về cơ bản đủ tuy nhiên vẫn thừa, thiếu cục bộ. Đối với THPT, so với định mức quy định giáo viên thì cơ bản đủ.

Bồi dưỡng giáo viên: 
Băn khoăn đủ thứ
Tại hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, lãnh đạo các sở GD&ĐT ngoài băn khoăn chuyện thừa thiếu giáo viên thì còn rất băn khoăn về tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ như thế nào cho hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu băn khoăn về việc tập huấn bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nằm trong biên chế. Còn tuyển mới thì đang lúng túng vì không biết tiêu chí như thế nào. 
Ông Lê Văn Quý,  Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cũng cho hay chương trình giáo dục phổ thông mới có dạy tích hợp là phù hợp với thực tế. Nhưng giáo viên đang được đào tạo đơn môn. Vì vậy theo ông Quý, khi bồi dưỡng giáo viên, không chỉ đặt vấn đề đổi mới phương pháp mà phải chú trọng trang bị kiến thức cần thiết cho giáo viên.  Đối với hình thức bồi dưỡng, ông Quý cho rằng chủ trương sắp tới của Bộ là linh hoạt, có chương trình cụ thể như đào tạo online. Nhưng có một thực tế như Điện Biên, nhiều giáo viên đang công tác tại những vùng không có điện nên không có internet thì không biết tập huấn thế nào.  Mặt khác, ông Quý cũng cho hay, giáo viên hiện nay đang rất quá tải, do đó, sẽ có một bộ phận phải bồi dưỡng vào dịp hè. Vậy Bộ có chính sách hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng vào dịp này không. Bên cạnh đó, điều khiến các địa phương lo lắng nhất chính là tinh giảm biên chế. Việc tinh giảm sẽ ảnh hưởng đến giáo dục.

Chất lượng đội ngũ hơn 1 triệu giáo viên cả nước liệu có đáp ứng được yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới?
Trước những băn khoăn của lãnh đạo các sở, các địa phương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, quan điểm nhất quán của chương trình giáo dục phổ thông mới là giảm tải cho giáo viên và học sinh. Do đó, đối với những môn, những buổi đã sắp xếp để có thời gian cho học sinh nghỉ ngơi, chơi, đề nghị các trường cố gắng có sân chơi, bãi tập, cố gắng có hoạt động giải trí ngay cả trong lớp để học sinh, giáo viên có thời gian thư giãn. Không được dùng thời gian trống đó để học thêm. Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định,  đội ngũ giáo viên hiện nay đang vừa thiếu vừa thừa, đặc biệt là chất lượng liệu có đáp ứng được yêu cầu. Rất mong địa phương quan tâm sâu. Hiệu trưởng cũng rất cần được bồi dưỡng quan tâm. Đến nay đã có 2.700 hiệu trưởng được bồi dưỡng. Năm 2019, sẽ sắp xếp trường sư phạm. Gắn các trường sư phạm với trường phổ thông. Coi đào tạo sư phạm như đào tạo ngành y.
Nói thêm về bồi dưỡng giáo viên, PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Sẽ có phần mềm tập huấn trực tuyến. Mỗi người vào học sẽ có một tài khoản. Nhưng vì học qua mạng, học viên thường thích thì học, không thích thì thôi nên phải có người hướng dẫn. Ngoài ra, còn có cả phần mềm hỗ trợ tập huấn. Trong quá trình tập huấn bồi dưỡng đều có sự giám sát chặt chẽ bằng phần trao đổi, làm bài, hoàn thành bài tập. Cấp tài khoản cho 63 sở, sở cấp cho trường, trường cấp cho giáo viên. Bộ GD&ĐT sẽ ban hành chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước. Trong đó, có chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn học mới chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới. 
PGS Nguyễn Xuân Thành cũng cho rằng thực chất, nhiều giáo viên dạy đơn môn nhưng đã được đào tạo đa môn như Lý - Hóa, Hóa - Sinh, Sử - Địa, Sử - Giáo dục công dân, hay Địa - Giáo dục công dân. Nên việc tập huấn cho các giáo viên cũng sẽ không có nhiều trở ngại khó khăn. 
Còn Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường khẳng định, theo quy định hiện hành, UBND tỉnh có trách nhiệm sắp xếp lại các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý, phù hợp với thực tiễn của địa phương, đảm bảo đủ biên chế công chức quản lý giáo dục đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, tiến tới làm sao tổ chức dạy 2 buổi/ngày.

Theo báo cáo của các sở GD&ĐT, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là gần 76.000 người. Giáo dục mầm non thiếu nhiều nhất là 43.732 người; tiểu học thiếu 18.953 người; THCS thiếu 10.143 người; THPT thiếu 3.161 người. Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố, nên đến thời điểm hiện tại toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS một số môn nhưng lại thừa 12.165 giáo viên THCS môn khác.

Theo Tiền Phong

Người đăng:Phạm Thị Hiền
23-01-2019

Chuyển động ETEP