Kết quả đánh giá giáo viên phải căn cứ vào hiệu quả công việc. Ảnh: Đức Chiêm
Bảo đảm chất lượng và không gây xáo trộn
Luật Giáo dục 2019 quy định giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS, THPT có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Theo ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo chiều hướng tăng lên là cần thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, phù hợp với xu thế về chuẩn trình độ đào tạo nhà giáo của các nước trong khu vực và trên thế giới, phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do quy định mới về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên theo Luật Giáo dục năm 2019, còn một bộ phận nhà giáo chưa đáp ứng trình độ chuẩn phải thực hiện việc đào tạo để đáp ứng trình độ chuẩn theo quy định.
Với những giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo còn đủ tuổi để tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn, lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo đã được quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ban hành ngày 30/6/2020.
Còn lại một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý không phải tham gia đào tạo nâng chuẩntrình độ đào tạo, do thời gian công tác tính đến ngày nghỉ hưu không đủ theo quy định. Cần có quy định cụ thể về việc bố trí, sử dụng đối tượng này để bảo đảm chất lượng giáo dục nhưng không làm xáo trộn việc giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục.
“Để giải quyết vấn đề nêu trên, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo; có hiệu lực thi hành từ 10/10/2020. Việc ban hành Thông tư nhằm nâng cao chất lượng giáo viên để thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn về đội ngũ hiện nay. Đồng thời, duy trì sự ổn định đối với đội ngũ nhà giáo đã có nhiều năm công tác, cống hiến cho ngành Giáo dục, nhưng cũng đồng bộ các giải pháp để thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước và giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo theo nguyện vọng” – ông Đặng Văn Bình thông tin.
Điều kiện nâng chuẩn giáo viên phải phù hợp với lứa tuổi. Ảnh minh họa: Hữu Cương
Dựa vào hiệu quả công việc
Ông Đặng Văn Bình cho biết: Theo Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT, việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo nhưng không phải tham gia đào tạo nâng chuẩn căn cứ vào kết quả đánh giá, xếp loại về chuẩn nghề nghiệp, chuẩn hiệu trưởng hoặc kết quả phân loại, đánh giá viên chức.
Cụ thể trong 2 năm liên tiếp liền kề trước năm Thông tư này có hiệu lực thi hành (cụ thể là năm 2018, 2019), giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có kết quả đánh giá, xếp loại đạt chuẩn nghề nghiệp/chuẩn hiệu trưởng trở lên hoặc được phân loại, đánh giá viên chức xếp ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên, tiếp tục bố trí công tác giảng dạy cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, hoặc công tác quản lý đến khi kết thúc nhiệm kỳ, không thực hiện bổ nhiệm lại chức vụ quản lý trường học, bố trí công việc khác phù hợp đến khi nghỉ hưu theo quy định (đối với cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục). Quy định này nhằm duy trì sự ổn định đối với đội ngũ nhà giáo đã có nhiều năm công tác, cống hiến cho ngành Giáo dục, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.
Trong 2 năm liên tiếp liền kề trước năm Thông tư này có hiệu lực thi hành, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có kết quả đánh giá, xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp/chuẩn hiệu trưởng và có một năm được phân loại, đánh giá viên chức xếp ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì không bố trí giảng dạy và được sắp xếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để bố trí sang vị trí việc làm khác phù hợp cho đến khi nghỉ hưu theo quy định. Quy định này nhằm nâng cao chất lượng giáo viên để thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, quản lý nhưng cũng đồng bộ các giải pháp để thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Trường hợp không đủ sức khỏe, có nguyện vọng, đủ các điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, các giáo viên, cán bộ quản lý thuộc đối tượng trên được nghỉ hưu theo quy định. Ngoài ra, giáo viên, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo, tùy vào trường hợp cụ thể để thực hiện các quy định về thôi việc, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm và chính sách tinh giản biên chế theo các quy định hiện hành.
“Các quy định tại Thông tư đã bao phủ các đối tượng giáo viên, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo mà không phải tham gia đào tạo để nâng trình độ chuẩn theo quy định và kế thừa các quy định tại Quyết định số 22/2006/QĐ-BGDĐT quy định về việc bồi dưỡng, sử dụng nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn” – ông Đặng Văn Bình cho hay.
Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo, báo cáo phòng GD&ĐT để tổng hợp. Phòng GD&ĐT chủ trì, phối hợp với phòng Nội vụ xây dựng kế hoạch trình UBND huyện/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh trước 15/12/2020 để triển khai thực hiện.
Theo Hiếu Nguyễn (GD&TĐ)