Tọa lạc trên con phố nổi tiếng Rue d’Ulm – con phố nối giữa Điện Panthéon hùng vĩ nơi lưu giữ thi hài của những vĩ nhân và vườn hoa Luxembourg lộng lẫy, kế bên là trường Đại học Sorbonne ngay tại khu phố cổ Latin (Quartier Latin) giữa trung tâm quận 5 thành phố Paris, Trường Đại học Sư phạm Paris (mà giảng viên và sinh viên trường vẫn gọi bằng cái tên thân thương ENS rue d’Ulm – Đại học Sư phạm phố Ulm) là một cơ sở giáo dục cao cấp đồng thời cũng là một trung tâm nghiên cứu lớn có uy tín vào bậc nhất của Pháp bởi sự chọn lọc sinh viên vô cùng khắt khe. Trường được xây dựng từ năm 1794 bởi Công hội Quốc dân (Convention nationale) theo đề nghị của Joseph Lakanal – một chính trị gia và cũng là một Triết gia Pháp, người đã có câu nói nổi tiếng được ghi lại trong lịch sử thành lập của nhà trường : “Sẽ thành lập ở Paris một ngôi trường sư phạm, nơi lựa chọn những công dân đã được giáo dục ở những cơ sở khoa học uy tín, để học tập nghệ thuật giảng dạy và để trở thành những giáo sư đầu ngành về sư phạm ” . Trường có 15 khoa đào tạo và nghiên cứu bao trùm các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đây cũng là nơi bắt nguồn nhiều phong trào khoa học và tri thức lớn của thế kỷ 20. Những cống hiến của trường dành cho nghiên cứu khoa học của Pháp là rất lớn. Các sinh viên cũ của trường đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong đó có thể kể đến 8 giải thưởng Fields danh giá (Việt Nam có Giáo sư Ngô Bảo Châu), 13 giải Nobel và phân nửa lượng Huy chương vàng của Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS). Từ năm 2015, Trường ENS Paris đã trở thành trường thành viên của Cụm Đại học Khoa học và Văn chương Paris Sciences et Lettres (PLS).
Nếu như câu nói của Joseph Lakanal đã đi vào lịch sử của trường ENS rue d’Ulm và tất cả các sinh viên đều thuộc nằm lòng thì trường Đại học Sư phạm Hà Nội lại gắn bó với lời dặn dò bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Làm thế nào để chẳng những nhà trường này là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN) chính thức được thành lập ngày 11/10/1951 theo Nghị định của Bộ Quốc gia Giáo dục. Song quá trình hình thành và phát triển của Nhà trường lại được bắt đầu từ một sự kiện quan trọng, đó là ngày 10 tháng 10 năm 1945, tức là chỉ hơn một tháng sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là đào tạo giáo viên Văn khoa Trung học. Một một năm sau đó, ngày 8 tháng 10 năm 1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 194/SL thành lập ngành học Sư phạm, đào tạo giáo viên cho các bậc học cơ bản, trung học phổ thông, trung học chuyên khoa, thực nghiệm và chuyên nghiệp trong toàn quốc.Thế hệ giáo sư đầu tiên của Nhà trường hầu hết đều trưởng thành và được thụ hưởng một nền giáo dục có ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa và khoa học Pháp Chúng ta không thể không nhắc tới các Hiệu trưởng ở thời kỳ đầu của trường – Giáo sư Lê Văn Thiêm, Giáo sư Đặng Thai Mai, Giáo sư Phạm Huy Thông đều thuộc tầng lớp những “trí thức tinh hoa Pháp ngữ”. Các giáo sư đều được đào tạo tại Pháp ở các trường lớn, đều có thể sử dụng thành thạo tiếng Pháp. Người Hiệu trưởng đầu tiên – Giáo sư Đặng Thai Mai – đã từng học tập và bảo vệ Luận văn Thạc sĩ ngành Toán học tại Đại học Sư phạm Cao Cấp Paris (ENS rue d’Ulm) năm 1943 và luận án Tiến sĩ Quốc gia năm 1946 tại Pháp. Ông cũng đã xuất bản nhiều sách và bài báo tạp chí bằng tiếng Pháp. Ngoài ra còn biết bao Nhà giáo từ thế hệ đầu tiên của trường như Thầy Trần Văn Giàu, Thầy Đào Duy Anh, Cô Hoàng Xuân Sính, Thầy Phùng Văn Tửu, Thầy Nguyễn Mạnh Tường, Cô Đặng Anh Đào... là những người đã được đào tạo từ nước Pháp, gắn bó với ngôn ngữ và văn hóa Pháp.
Tiếng Pháp cũng được đưa vào chương trình giảng dạy của nhà trường như một ngoại ngữ ngay từ khi trường mới được thành lập, từ năm 1976 cùng với tiếng Anh và tiếng Trung đã hình thành nên khoa Ngoại ngữ. Năm 2004, khoa Ngoại ngữ được tách thành 3 đơn vị độc lập, từ đó có khoa Tiếng Pháp.
Thế hệ giảng viên trẻ của trường cũng có những đóng góp hết sức đáng ghi nhận để phát triển hợp tác khoa học Pháp Việt. Từ khi thành lập trường, hàng trăm cán bộ giảng viên của trường đã đi tu nghiệp tại các trường Đại học của Pháp, trong đó có cả trường Đại học Sư phạm Cao Cấp Paris. Khi trở về Việt Nam sau nhiều năm học tập tại Pháp, họ đã trở thành những sứ giả tiếp tục gìn giữ và phát triển quan hệ hợp tác trong lĩnh vực chuyên môn. Nhiều dự án đã được xây dựng trong khuôn khổ hợp tác giữa ĐHSPHN và các trường Đại học Pháp như dự án Bàn tay nặn bột, chương trình Luận án đồng hướng dẫn, chương trình tiếng Pháp chuyên ngành khoa học tự nhiên ở 4 khoa Toán – Lý – Hóa – Sinh, các hội thảo và xê-mi-na chuyên đề...
Năm 2013, Trường ĐHSPHN có vinh dự được tổ chức hội thảo “Tư tưởng Triết học và Giáo dục của Trần Đức Thảo” cùng với sự tham gia có mặt của nhiều giáo sư của Trường Đại học Sư phạm Cao cấp Paris. Từ hội thảo này, một mối quan hệ bắt đầu hình thành giữa các nhà nghiên cứu khoa học xã hội Pháp và Việt Nam có chung niềm đam mê. Nhờ có sự hỗ trợ và ủng hộ mạnh mẽ của Phòng nghiên cứu trao đổi chuyên gia Labex TransfertS do Giáo sư Michel Espagne điều hành, tính đến năm 2017 đã có 7 giáo sư của ĐHSP Cao cấp Paris sang tổ chức hội thảo và xê-mi-na chuyên đề trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn như Triết học, khoa học Giáo dục, Văn chương, khoa học Chính trị, Lịch sử. Phòng nghiên cứu Labex TransfertS cũng đã đón tiếp 3 học giả Việt Nam sang tổ chức hội thảo về các chủ đề tương tự.
Cả hai trường đã cùng nhau triển khai các dự án dịch thuật và xuất bản sách trong đó phải kể đến những cuốn như “Hành trình Trần Đức Thảo”, “Việt Nam – Lịch sử chuyển giao văn hóa” hay cuốn “Tóm lược lịch sử nhân học”. Cũng trong khuôn khổ hợp tác giữa hai trường, một cuốn sách của PGS.TS. Nguyễn Thị Hạnh – nguyên cán bộ trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã nhận được sự tài trợ của Phòng nghiên cứu Labex TransfertS và NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và sẽ ra mắt độc giả vào tháng 4/2018. Bên cạnh đó, Đại học Sư phạm Cao cấp Paris cũng đã gửi tặng ĐHSPHN rất nhiều sách quý hiện đang lưu giữ tại Trung tâm thông tin thư viện trường để phục vụ giảng viên và nghiên cứu viên.
“Chuyển giao văn hóa Pháp Việt là một đề tài nghiên cứu thú vị thu hút sự quan tâm của các nghiên cứu viên của hai trường Đại học sư phạm”, PGS.TS. Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Nhà xuất bản ĐHSPHN nhận định, “Trên bản đồ giao lưu văn hóa của thế giới, trường hợp của Pháp và Việt Nam là trường hợp khá điển hình bởi nó phát sinh từ lịch sử thuộc địa. Đề tài này là một nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà nghiên cứu và còn nhiều vấn đề chưa được khai thác hết. Ví dụ như dấu ấn Việt Nam trong văn hóa Pháp chẳng hạn, trong khi đó sự ảnh hưởng của Pháp đối với Việt Nam thì đã được nghiên cứu rất nhiều”.
Michel Espagne – Giám đốc Phòng nghiên cứu Labex TransfertS cũng khẳng định “Có vẻ như chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến sự xuất hiện của Việt Nam trong văn hóa và lịch sử Pháp. Trường hợp về Triết gia Trần Đức Thảo chỉ là một ví dụ trong rất nhiều câu chuyện. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần khám phá những tác động của sự giao thoa văn hóa hai chiều. Và nếu các học giả Việt Nam mong muốn tìm kiếm những hướng đi mới trong nghiên cứu khoa học xã hội thì đây là một chủ đề thực sự thú vị”. Đặc biệt, hiện nay các học giả đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ “trao đổi văn hóa” thay vì “chuyển giao văn hóa” để có thể biểu thị một sự tác động qua lại hai chiều giữa hai nền văn hóa chứ không chỉ thụ động, một chiều.
Năm 2018, Pháp và Việt Nam cùng nhau kỷ niệm 45 năm đặt quan hệ ngoại giao và 5 năm đối tác chiến lược. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được vị Tổng thống trẻ tuổi Emmanuel Macron hân hoan chào đón tại điện Elysée. Sau khi cùng nhau ký kết vào Bản Tuyên bố chung với 29 điều khoản hợp tác trong mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục và nghiên cứu khoa học, người đứng đầu nước Pháp đã nhận lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sang thăm Việt Nam vào năm 2019.
Trong bối cảnh mà Pháp và Việt Nam đang phát triển lên những tầm cao mới đầy hứa hẹn ấy, là những cơ sở đào tạo lớn có uy tín về giáo dục và nghiên cứu khoa học, trường Đại học sư phạm Cao cấp Paris và trường ĐHSPHN đang cùng nhau xây dựng và hỗ trợ không mệt mỏi những dự án nghiên cứu chung của hai trường như dịch và xuất bản sách Pháp - Việt, trao đổi chuyên gia, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo Tiến sĩ đồng hướng dẫn, tổ chức các hội thảo quốc tế lớn... Sự hợp tác của họ là một minh chứng cho thấy quan hệ giữa Pháp và Việt Nam không chỉ mạnh mẽ ở cấp Chính phủ mà còn phát triển rực rỡ cả ở cấp Đại học thông qua những đóng góp cho việc kết nối các trí thức, qua đó góp phần làm dày dặn thêm lịch sử giữa hai quốc gia.
ThS. Nguyễn Thảo Hương - Phòng Hành chính Đối ngoại