Đôi điều suy nghĩ về công tác Hợp tác quốc tế của Trường ĐHSP Hà Nội


24-01-2019
Ngay từ khi mới thành lập, Trường ĐHSP Hà Nội đã được Bộ Quốc gia Giáo dục giao trọng trách đào tạo cán bộ cho nước bạn Lào, do đó có thể nói công tác hợp tác quốc tế (HTQT) của trường đã gắn liền với Nhà trường ngay từ những buổi đầu thành lập. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, công tác HTQT của Nhà trường cũng có những thay đổi để phù hợp với thời đại và xã hội. Cùng với những thay đổi đó thì bộ phận phụ trách công tác này là phòng Hợp tác Quốc tế của trường đã đặt ra cho mình những nhiệm vụ cụ thể, đó là:
  • Tham mưu đề xuất các chính sách, chiến lược, phương hướng và kế hoạch phát triển công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu; giúp Hiệu trưởng thực hiện quản lí Nhà nước về công tác hợp tác quốc tế theo Điều lệ trường Đại học và quy định hiện hành của Nhà nước.
  • Tìm kiếm, kết nối và triển khai các chương trình hợp tác đào tạo giữa Trường ĐHSP Hà Nội với các trường đại học ở nước ngoài.
  • Hỗ trợ giảng viên, sinh viên trong việc thông tin, tư vấn, bồi dưỡng kĩ năng, bồi dưỡng năng lực… liên quan đến các chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở trong nước hoặc ngoài nước.
  • Tham gia quảng bá hình ảnh về Nhà trường đến bạn bè quốc tế thông qua các ấn phẩm như: Tập tài liệu giới thiệu về trường, quà tặng ngoại giao… mang hình ảnh, dấu ấn của Trường ĐHSP Hà Nội.

Để thực hiện được những nhiệm vụ này, cũng cần nhìn nhận thực tế về hoạt động HTQT của Nhà trường trong giai đoạn hiện nay.

CÔNG TÁC HỢP TÁC QUỐC TẾ CỦA TRƯỜNG ĐHSP HÀ NỘI

Ưu thế

Với bề dày lịch sử và uy tín trong giới học thuật, Trường ĐHSP Hà Nội luôn là điểm đến của nhiều trường đại học trên thế giới với mong muốn phát triển mạng lưới hợp tác đại học. Trường đã kí Biên bản thỏa thuận hợp tác (MOU - Memorandum of Understanding) với khoảng hơn 150 trường đại học trên khắp các châu lục như châu Úc, châu Mĩ, châu Âu và đặc biệt là các trường trong khu vực châu Á.

Thế mạnh của Trường ĐHSP Hà Nội là chất lượng đào tạo và đội ngũ giảng viên giỏi, giàu kinh nghiệm, tập trung nhiều chuyên gia, giáo sư đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học cơ bản. Một số giảng viên của trường có kiến thức chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm

 tham gia hoạt động giảng dạy ở các trường đại học nước ngoài (Pháp, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc,…). Một số giảng viên có các công bố quốc tế được trích dẫn IF (Impact Factor) cao. Đây là một trong những điểm mạnh tiên quyết, đặt nền móng để trường có thể xúc tiến đặt quan hệ hợp tác trong đào tạo với các trường đại học trên thế giới.

Đội ngũ giảng viên của trường cũng có nhiều người đã học tập tại nước ngoài. Đội ngũ này là một nguồn lực quan trọng trong việc mở rộng, kết nối hợp tác và tăng thêm cơ hội học tập, giao lưu cho sinh viên cũng như cho cán bộ giảng viên của trường. Trên thực tế, rất nhiều giảng viên sau quãng thời gian học tập ở nước ngoài đã làm đầu mối trực tiếp kết nối, mời giảng viên, chuyên gia từ các cơ sở giáo dục mình học tập về tổ chức seminar, hội thảo, toạ đàm chuyên đề hoặc giới thiệu cho sinh viên, giảng viên trẻ của trường sang học tập. Bên cạnh đó, cán bộ phòng HTQT cũng rất tích cực trong việc tìm kiếm, kết nối và chủ động mời các giáo sư nước ngoài đến trường trình bày báo cáo chuyên đề cho giảng viên, sinh viên của các khoa liên quan. Đây là một hoạt động chuyên môn rất bổ ích đối với giảng viên và sinh viên, không chỉ giúp họ mở rộng mạng lưới trao đổi học thuật quốc tế mà còn tạo điều kiện cho họ tiếp cận với những góc nhìn khoa học mới mẻ, từ đó có những ý tưởng sáng tạo riêng cho mình.

Một số khoa trong Trường rất có kinh nghiệm và có nhiều thành tích trong hợp tác quốc tế như khoa Sinh học, khoa Toán - Tin, khoa Vật lí, khoa Hóa học, khoa Địa lí, khoa Công tác Xã hội, khoa Giáo dục Đặc biệt, khoa Tiếng Anh, bộ môn Tiếng Trung…

Khó khăn

Một trong những khó khăn của công tác HTQT đối với sinh viên của Trường là sự thiếu chủ động, thiếu tự tin của sinh viên. Đa phần các em từ nông thôn lên thành phố học tập, nên việc đi du học đối với các em dường như là điều rất xa vời. Thêm vào đó, chương trình ngoại ngữ ở bậc phổ thông chưa được thực sự chú trọng nên khả năng ngoại ngữ của sinh viên cũng là điều hạn chế. Mặc dù những năm gần đây Trường ĐHSP Hà Nội đã quan tâm nhiều đến việc giảng dạy, bồi dưỡng ngoại ngữ cho sinh viên song do thời lượng dành cho môn học này có hạn nên khả năng sử dụng ngoại ngữ trong học tập, nghiên cứu và giao tiếp vẫn là một rào cản đối với sinh viên. Đặc biệt là khi sinh viên tiếp xúc với chuyên gia nước ngoài hoặc tiếp cận với những cơ hội du học từ nguồn học bổng mà Nhà trường giới thiệu. Do đó, đa số các suất học bổng ngắn hạn thường rơi vào các sinh viên đến từ các thành phố, nơi các em đã có điều kiện được bồi dưỡng ngoại ngữ thường xuyên và ít nhiều có sự tiếp xúc môi trường đa văn hóa. Cùng với sự thiếu chủ động, thiếu tự tin của sinh viên thì vấn đề về tài chính cũng là một trong những trở ngại lớn đối với giảng viên và sinh viên của trường nếu không có các nguồn hỗ trợ để tham gia các chương trình giao lưu, thực tập tại nước ngoài.

Bên cạnh đó, mặc dù trường nhận được rất nhiều lời mời hợp tác đào tạo liên kết từ các trường đại học quốc tế, song việc tổ chức một chương trình đào tạo liên kết gặp nhiều trở ngại vì Trường ĐHSP Hà Nội thiên về đào tạo các ngành khoa học lí thuyết chuyên sâu và chương trình “đào tạo giáo viên” nằm ngay trong chương trình đào tạo của từng khoa, trong khi đó các trường đại học ở nước ngoài đa phần là trường đa ngành và “đào tạo giáo viên” là một chương trình riêng được thực hiện song song hoặc nối tiếp với chương trình đào tạo chuyên ngành. Điều đó dẫn đến việc khó tìm được sự tương thích trong chương trình dạy và  học và khó có thể công nhận chương trình đào tạo của nhau. Hơn thế nữa, với tiêu chí đảm bảo chất lượng lên hàng đầu nên Trường ĐHSP Hà Nội vẫn hết sức chọn lọc trong việc lựa chọn các chương trình đào tạo liên kết, cho đến nay trường mới chỉ có duy nhất một chương trình đào tạo liên kết cấp cử nhân với trường Đại học Ngoại ngữ Busan, Hàn Quốc.

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác HTQT phải là các chuyên gia trong các lĩnh vực cụ thể có khả năng làm đầu mối kết nối và triển khai các định hướng HTQT của toàn trường. Nhận thức được vị trí và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp chung của Trường ĐHSP Hà Nội, cán bộ phòng HTQT của trường một mặt luôn tìm cách tự bồi dưỡng, trau dồi và nâng cao kiến thức chuyên môn và mở rộng mạng lưới chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, mặt khác triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh hoạt động HTQT ở các khoa tập trung vào hai mảng chính: hoạt động HTQT dành cho cán bộ, giảng viên và hoạt động HTQT dành cho sinh viên.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ ĐANG TRIỂN KHAI

Hoạt động hợp tác quốc tế phục vụ cán bộ, giảng viên

Tổ chức các hội thảo, hội nghị, cuộc thi quốc tế: Nhà trường đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo, tập huấn, workshop thuộc dự án của các tổ chức quốc tế lớn như UNESCO, WB, ADB. Hằng năm trường cũng tổ chức các hội thảo quy mô cấp trường với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài. Việc tổ chức các hoạt động này đã góp phần tăng cường và tạo cơ hội để cán bộ, giảng viên làm việc, tham gia các hoạt động chuyên môn cùng với các chuyên gia trong và ngoài nước. Trường cũng đã tổ chức những cuộc thi quốc tế dành cho học sinh trong các lĩnh vực khoa học như IChO, IPhO, IBO. Gần đây nhất là cuộc thi Olympic Sinh học Quốc tế IBO 2016 đã gây tiếng vang lớn trong giới khoa học thuộc ngành sinh học, góp phần xây dựng và khẳng định uy tín của Trường. Trong các hoạt động này, phòng HTQT đã hỗ trợ tích cực, giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng nhất, đồng thời là đơn vị tư vấn tin cậy cho các khoa trong việc tiếp đón chuyên gia nước ngoài đến làm việc.

Bồi dưỡng ngoại ngữ: Hằng năm, phòng HTQT phối hợp với khoa Tiếng Anh tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Anh ngắn hạn và dài hạn cho cán bộ hành chính và giảng viên của trường nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh, đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo và nâng cao kiến thức của giảng viên.

Đối với các giảng viên nguồn của các khoa có chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và song ngữ, phòng HTQT đã phối hợp với Trung tâm tiếng Anh Langluage Link tuyển chọn giảng viên bản ngữ có bằng TESOL, sau đó tổ chức các khóa học tiếng Anh chuyên ngành và khóa học phương pháp giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh cho các giảng viên. Các khóa học này bước đầu đã có được thành công và nhận được phản hồi tích cực từ phía các giảng viên theo học. Đây là một tiền đề quan trọng để Nhà trường triển khai và xem xét mở rộng hình thức đào tạo chuyên ngành bằng tiếng Anh tại một số khoa theo Đề án ngoại ngữ 2020 của Chính phủ.

Hoạt động hợp tác quốc tế phục vụ học sinh, sinh viên

Hoạt động đào tạo: Mô hình đào tạo để người học có thể nhận hai bằng đại học khi tốt nghiệp không còn xa lạ đối với nhiều trường đại học, tuy nhiên để có thể duy trì một chương trình dài hơi, có sự hợp tác chặt chẽ và chất lượng giữa các cơ sở đào tạo thì không phải nơi nào cũng làm được. Trường ĐHSP Hà Nội hiện đang có chương trình cấp hai bằng đại học trong chương trình hợp tác với Trường Đại học Ngoại ngữ Busan, Hàn Quốc theo mô hình 2+2. Theo đó sinh viên ngành xã hội Trường ĐHSP Hà Nội sẽ học hai năm tiếng Hàn tại Việt Nam, song song với chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành đã chọn, sau đó nếu thi đạt kết quả tốt sinh viên sẽ được chuyển tiếp sang học tập tại khoa Ngữ văn Đại học Busan. Ngược lại, sinh viên Đại học Busan cũng lựa chọn học tiếng Việt trong hai năm sau đó sang khoa Ngữ văn của ĐHSP Hà Nội để tiếp tục học tiếng Việt. Sau bốn năm học các sinh viên này sẽ được cấp hai bằng đại học: một của ĐHSP Hà Nội và một của Đại học Busan. Đây là chương trình đào tạo chất lượng và đã khẳng định được uy tín của chương trình. Tính đến nay Trường đã triển khai được 14 khóa đào tạo liên kết với Đại học Busan trong đó số sinh viên Busan sang Trường ĐHSP Hà Nội học tập là 207 và số sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội sang Busan học là 64 em.

Với mục tiêu quốc tế hóa chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội và bắt kịp với các trường đại học trên thế giới, hiện nay Trường ĐHSP Hà Nội đã và đang khảo sát, đánh giá các chương trình đào tạo chuyên ngành của các trường đại học có uy tín trên thế giới, để tiến hành xây dựng đề án nhập khẩu chương trình, giáo trình sử dụng trong đào tạo của trường, đồng thời với đó là mời một số chuyên gia sang hướng dẫn, giảng dạy demo ban đầu. Hoạt động này hứa hẹn sẽ đem đến những đổi mới thiết thực trong công tác đào tạo của Nhà trường.

Hoạt động hỗ trợ, định hướng học sinh, sinh viên: Với mong muốn để sinh viên sư phạm có nhiều cơ hội tiếp xúc với bạn bè quốc tế, phòng HTQT chú trọng việc thúc đẩy sinh viên học ngoại ngữ, cung cấp những kiến thức cơ bản cần có cho sinh viên khi đi nước ngoài, đồng thời mở rộng đối tác, tìm kiếm nguồn học bổng cho sinh viên. Phòng đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ như Trung tâm văn hóa Việt Hàn, Trung tâm giáo dục quốc tế… tổ chức các chương trình Trại hè tiếng Anh cho học sinh phổ thông với các giáo viên đến từ Hoa Kì, tổ chức chương trình học và thi tiếng Hàn cho sinh viên của trường, học và thi tiếng Việt cho sinh viên quốc tế, đồng thời triển khai tìm kiếm sinh viên có đủ điều kiện làm ứng viên cho các chương trình trại hè quốc tế được tổ chức tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc, hoặc chương trình trao đổi ngang với một số trường đại học của Nhật Bản. Trong 3 năm trở lại đây đã có gần 20 bạn sinh viên được lựa chọn đi tham dự các chương trình trao đổi ngắn hạn. Sự thành công từ những chương trình này phần nào giúp cho các em sinh viên có thêm động lực để tìm kiếm cơ hội học tập ở nước ngoài cho bản thân.

Để hỗ trợ và định hướng học tập cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất, phòng HTQT tham gia gặp gỡ sinh viên mới nhập học trong Tuần lễ sinh hoạt công dân - Học sinh sinh viên đầu năm học. Tại đây, phòng giới thiệu các cơ hội học bổng dành cho sinh viên mà trường triển khai, kết nối và cung cấp thông tin về các hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho sinh viên. Trên cơ sở những thông tin được cung cấp, sinh viên có thể lập kế hoạch học tập cho bản thân, chủ động tìm kiếm các cơ hội học tập ở các trường đại học quốc tế như: du học, thực tập dài hạn, ngắn hạn…

Ngoài ra trong các năm học phòng HTQT cũng triển khai những buổi seminar, toạ đàm hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ du học, thông báo về các điều kiện đi du học bậc đại học hoặc thạc sĩ để sinh viên có thể cập nhật chính xác, kịp thời. Mặc dù mới triển khai được hai năm nhưng hoạt động này đã và đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều sinh viên.

Để có thể nhanh chóng đưa thông tin đến cán bộ và sinh viên, phòng HTQT đã xây dựng trang web và trang fanpage HTQT. Đội ngũ admin của hai trang này gồm cán bộ phòng và các cộng tác viên. Các cộng tác viên chính là những sinh viên đã từng tham gia các chương trình trao đổi ngắn hạn với trường đối tác. Chính các cộng tác viên này thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm thêm các cơ hội học bổng để giới thiệu cho sinh viên trong trường và đưa tin về các hoạt động HTQT của phòng. Trang fanpage của phòng mới triển khai được gần một năm nhưng đã có lượng người theo dõi lên đến hơn hai ngàn người và thường xuyên cập nhật các thông tin về học bổng, về tuyển tình nguyện viên từ các đơn vị, tổ chức quốc tế.

Hoạt động giao lưu văn hóa

Một trong những điều không thể thiếu trong công tác hợp tác quốc tế đó là tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa cho sinh viên quốc tế đang học tập tại trường nhân các dịp đặc biệt như: Lễ hội té nước cho Sinh viên Lào, Lễ hội trung thu cho sinh viên Hàn Quốc và Trung Quốc… Đây chính là những dịp để Nhà trường thể hiện sự quan tâm đến các bạn lưu học sinh quốc tế trong thời gian học tập xa nhà, đồng thời là cơ hội để các bạn sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế tìm hiểu về văn hóa của nước bạn. Các dịp này đã trở thành những kỉ niệm đáng nhớ cho các bạn sinh viên trong quãng thời gian du học tại Việt Nam.

Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, công tác HTQT của Nhà trường không chỉ cung cấp cơ hội để giảng viên, sinh viên giao lưu, học hỏi, mở rộng hiểu biết chuyên môn, trải nghiệm văn hóa mà còn là một tiêu chí đánh giá năng lực của trường. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, phòng HTQT luôn sẵn sàng hỗ trợ các thầy cô và các em sinh viên tốt nhất, đồng thời không ngừng nỗ lực vì công tác HTQT của Nhà trường.

Lễ kí kết Thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Phòng HTQT cung cấp

Giảng viên và sinh viên trường ĐHSP Hà Nội làm việc với chuyên gia giáo dục Alex Barthel (Australia) trong buổi hội thảo về kĩ năng nói theo phong cách học thuật. Ảnh: Phòng HTQT cung cấp

Các bạn sinh viên K64 khoa Sinh học và khoa Công nghệ Thông tin Trường ĐHSP Hà Nội tham dự Trại hè khoa học tại Trường Đại học King Mongkut (Thái Lan) theo diện học bổng toàn phần. Ảnh: Phòng HTQT cung cấp

Chương trình Trại hè tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông với sự tham gia của các giáo viên bản ngữ đến từ Hoa Kì. Ảnh: Phòng HTQT cung cấp

Ông Ted Osius - Đại sứ Hoa kỳ tặng hoa GS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội để bày tỏ sự kính trọng đối với Người Giáo viên nhân Ngày Hiến chương các Nhà giáo 20/11/2016. Ảnh: Phòng HTQT cung cấp

Nhóm cộng tác viên làm admin của trang fanpage. Ảnh: Phòng HTQT cung cấp

ThS. Nguyễn Thảo Hương - Phòng Hành chính Đối ngoại

Người đăng:admin admin
24-01-2019

Chuyển động ETEP