Chính phủ đồng ý với ý kiến trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh tiểu học, THCS trường công lập không phải nộp học phí.
Tại phiên họp lần thứ 31 diễn ra trong 2 ngày 21 và 22-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng
Liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, báo cáo của Chính phủ cho hay đa số ý kiến đóng góp nhất trí với quy định trong dự thảo luật là nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên (GV) mầm non lên cao đẳng sư phạm. Đối với GV tiểu học, THCS, THPT phải có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, với những môn học chưa đủ GV được đào tạo trình độ ĐH sư phạm thì phải có bằng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành tương ứng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn các cơ sở giáo dục mầm non rất đa dạng, không phải mọi đối tượng, mọi cơ sở giáo dục mầm non đều cần người lao động có trình độ cao đẳng, đối tượng tham gia là người mẹ, người có nhu cầu làm việc ở môi trường giáo dục mầm non với nhiều hình thức (làm thêm, tạm thời, gắn bó lâu dài).
Miễn học phí mầm non, THCS
Về chính sách học phí, có tới 3 luồng ý kiến. Trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh (HS) tiểu học, THCS trường công lập không phải đóng học phí. Trẻ mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; HS tiểu học, THCS trường tư thục được nhà nước hỗ trợ học phí. Trước mắt, ưu tiên thực hiện miễn và hỗ trợ học phí bậc THCS ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện.
Chính phủ đồng ý với ý kiến trẻ mầm non 5 tuổi và HS tiểu học, THCS trường công lập không phải nộp học phí. Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục.
Trẻ mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; HS tiểu học, THCS trường tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một HS của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn.
Chính phủ cũng quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với HS THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với HS THCS trường tư thục, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
TS Nguyễn Tùng Tâm, Chủ tịch Hội Tâm lý học Hà Nội, nhất trí với quy định miễn học phí bậc THCS. Ông Lâm cho rằng ở bậc phổ cập thì miễn học phí là hợp lý và nên làm.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH
Cơ cấu lại hệ thống giáo dục quốc dân
Về hướng nghiệp, phân luồng, cơ bản có 2 nhóm ý kiến, trong đó đa số cho rằng cần bổ sung vào dự thảo luật một điều để quy định cụ thể về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục. Việc sửa đổi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hướng nghiệp và phân luồng trong triển khai thực tiễn, khắc phục hạn chế của Luật Giáo dục hiện hành là chưa quy định cụ thể, chưa thể hiện đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng về hướng nghiệp và phân luồng.
Liên quan đến nội dung này, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho rằng cơ quan soạn thảo vẫn chưa nhận thức rõ xu hướng giáo dục hướng nghiệp hiện nay ở THCS và THPT trên thế giới để giúp phân luồng hiệu quả. Ví dụ, trong cách thể hiện mục tiêu của giáo dục phổ thông, dự thảo khiến cho người làm chương trình tùy tiện khi thiết kế vì không biết thế nào là hiểu biết ban đầu. "Nhiều quốc gia đã tích hợp giáo dục hướng nghiệp ngay từ khi học tiểu học vào chương trình chung. Đối với bậc THCS thì không có môn học hay tiết học hướng nghiệp (trừ cho người khuyết tật) do hiệu quả kém của giáo dục hướng nghiệp và làm mất đi sự bình đẳng trong tiếp nhận học vấn phổ thông giữa các nhóm" - ông Vinh nói.
Cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục
Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK), đa số ý kiến góp ý nhất trí với điều 30 dự thảo luật vì đã sửa đổi, bổ sung theo hướng luật hóa đường lối, chủ trương của Nghị quyết 29-NQ/TW về chương trình giáo dục phổ thông và SGK; khắc phục những quy định của Luật Giáo dục hiện hành đã lạc hậu, không phù hợp với chủ trương đổi mới về chương trình giáo dục phổ thông, SGK.
Bên cạnh đó, còn có ý kiến đề nghị chương trình giáo dục phổ thông nên thống nhất cả nước để bảo đảm chuẩn đầu ra, không làm khó HS khi do hoàn cảnh phải chuyển trường, chuyển chỗ ở qua các huyện, tỉnh và vùng khác. Đồng thời, không đồng ý mỗi môn học có một số bộ SGK, mỗi chương trình có một số bộ SGK, bộ SGK được sử dụng chỉ sau khi đã được thử nghiệm ít nhất một năm học (trọn bộ)… Không nên xã hội hóa biên soạn SGK vì có thể dẫn tới trường hợp không bảo đảm chất lượng trong giảng dạy và học tập.
Về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, đa số ý kiến nhất trí với điều 32 dự thảo luật khi bổ sung quy định HS học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện dự thi nhưng không dự thi hoặc thi không đạt thì được hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Dự thảo luật cũng không có quy định việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH vì việc tuyển sinh thuộc về quyền tự chủ của các trường ĐH đã được quy định trong Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi, bổ sung). Có ý kiến đề nghị dự thảo luật không nên quy định cụ thể việc thi tốt nghiệp THPT mà giao Bộ GD-ĐT quy định tại quy chế thi tốt nghiệp THPT để bảo đảm tính linh hoạt và quản lý ngành bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Về nội dung rất được quan tâm này, Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số và bổ sung quy định: HS học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện dự thi nhưng không dự thi hoặc thi không đạt thì được hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và sửa đổi quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp để bảo đảm việc phân luồng, hướng nghiệp cho HS phổ thông. Vấn đề tuyển sinh ĐH thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục ĐH (đã được sửa đổi, bổ sung).
Xác định biên chế và cơ chế tuyển giáo viên
Về việc phân công công tác cho SV sư phạm sau khi tốt nghiệp, đa số ý kiến góp ý phải có quy định về chế độ tuyển dụng đặc thù (so với Luật Viên chức) đối với GV các cơ sở giáo dục công lập. Điều này nhằm khắc phục bất hợp lý hiện nay là không có cơ chế phân công công tác cho SV sư phạm sau khi tốt nghiệp; không thu hút được SV giỏi học ngành sư phạm; cơ quan chức năng khi xác định chỉ tiêu biên chế, giao biên chế, giảm biên chế và quy trình tuyển dụng vẫn chưa tính đến đặc thù của ngành giáo dục; tình trạng GV nơi thừa, nơi thiếu vẫn diễn ra… Trong bối cảnh chưa sửa được Luật Viên chức thì để thu hút SV giỏi học ngành sư phạm, cần sửa đổi các quy định về lương và phụ cấp của GV cho phù hợp.
Chính phủ cho biết sẽ tiếp thu ý kiến nêu trên, bổ sung một khoản hoặc một điều trong dự thảo luật quy định đặc thù về xác định biên chế và cơ chế tuyển dụng GV cho SV tốt nghiệp các trường sư phạm vào các cơ sở giáo dục công lập.
Nên cho học sinh thi tốt nghiệp THPT nhiều lần
TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng việc quy định thi tốt nghiệp THPT như dự thảo là hợp lý. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT theo như Chính phủ giải thích để cho HS học nghề dường như mâu thuẫn với việc phân luồng vào giáo dục nghề nghiệp ngay sau THCS. Cấp giấy chứng nhận hoàn thành THPT sau 3 năm học văn hóa thì có thể xem là một sự lãng phí và khuyến khích các em đi theo hướng này rồi mới vào học nghề. "Vì vậy, nên nghiên cứu cho học sinh THPT được thi tốt nghiệp một số lần. Thời gian thi sẽ do Bộ GD-ĐT quy định cụ thể. Điều này cũng làm giảm áp lực gian lận" - ông Vinh đề xuất.
Theo Yến Anh (Người Lao động)