Nâng cao vai trò, phẩm chất, năng lực của nữ cán bộ quản lý trong thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông
Ngày cập nhật : 14/12/2018
Hơn 170 đại biểu là nữ giáo viên, cán bộ quản lý của 60 Sở GDĐT, Phòng GDĐT và cơ sở giáo dục phổ thông tham dự Hội thảo “Nữ cán bộ quản lý với đổi mới giáo dục phổ thông” do Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục phối hợp với Chương trình ETEP tổ chức ngày 14/12/2018 tại Hà Nội. Hội thảo nhằm nâng cao vai trò, phẩm chất, năng lực của nữ giáo viên, cán bộ quản lý trong thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, triển khai thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông tại các địa phương, đơn vị một cách đồng bộ, hiệu quả.
TS Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có TS Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Văn hóa Giáo dục TTNNĐ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam.
Các đại biểu nghe GS Nguyễn Minh Thuyết giới thiệu tổng quan về đổi mới giáo dục phổ thông; Trao đổi, thảo luận về vai trò của nữ giáo viên, cán bộ quản lý trong việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; Các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; Chia sẻ những kinh nghiệm quản lý tại địa phương; Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ; Trao đổi và thảo luận về công tác giáo dục bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trong việc triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Các đại bỉểu chia sẻ kinh nghiệm kinh nghiệm quản lý tại địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, TS Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ, đội ngũ cán bộ nữ quản lý giáo dục chiếm số đông, có vai trò quan trọng, giúp tham mưu tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, cần đổi mới công tác quản lý, tăng cường tự chủ nhà trường và nâng cao vai trò quản lý, để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Sự tham gia tích cực, hiệu quả của nữ giáo viên, cán bộ quản lý và các đối tượng dễ bị tổn thương góp phần quan trọng thực hiện thành công đổi mới giáo dục phổ thông.
ĐTH