Quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo giáo viên: Bắt kịp xu hướng thế giới


08-03-2020

Theo TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - Phó Trưởng khoa Quản lý (Học viện Quản lý Giáo dục): “Việc ban hành Thông tư 02/TT-BGDĐT Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm là cần thiết, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay”.

TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (áo hoa) tại buổi tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.Ảnh: TS

TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (áo hoa) tại buổi tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Ảnh: TS

10 tiêu chuẩn cốt lõi

TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh phân tích, việc quản lý theo tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng là phương thức hiện đại, là xu hướng chung của thế giới hiện nay. Việt Nam đã bắt kịp xu hướng chung đó. Năm 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông và Thông tư 26/2018/TT- BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non. 

Tháng 12/2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 32/2018/TT- BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là chương trình giáo dục học sinh phát triển phẩm chất và năng lực. Vì vậy, việc đào tạo giáo viên cũng phải kịp thời đổi mới để học sinh, sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được các thay đổi này. Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng đào tạo giáo viên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng chương trình đào tạo.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Thông tư số 02/TT-BGDĐT đã đưa ra 10 tiêu chuẩn cốt lõi để các trường sư phạm hay các cơ sở có đào tạo giáo viên sử dụng trong việc xây dựng, phát triển chương trình; trong tự đánh giá và kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu mới. Để sử dụng có hiệu quả các tiêu chuẩn quy định trong Thông tư hướng dẫn, các cơ sở đào tạo giáo viên cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt đến toàn thể cán bộ, giảng viên và các bên liên quan. Đồng thời, cụ thể hoá các tiêu chuẩn để vận dụng phù hợp với thực tiễn. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng việc xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên đảm bảo tính đặc thù của ngành. Đó là các khâu xây dựng và phát triển chương trình đào tạo (cần có phân tích đối sánh với các chương trình đào tạo giáo viên ở các cơ sở đào tạo giáo viên trong và ngoài nước); Huy động sự tham gia của các đơn vị sử dụng như: Các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo.

Mặt khác, phải đảm bảo tính gắn kết giữa chuẩn nghề nghiệp giáo viên với chuẩn đầu ra, mục tiêu đào tạo và nội dung chương trình đào tạo giáo viên. 

TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh nhấn mạnh, cần hiểu về chương trình đào tạo theo nghĩa đủ rộng, bao hàm mục tiêu; kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân của người học cần đạt được sau khi tốt nghiệp; nội dung, phương pháp và hoạt động đào tạo; điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị; cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động học thuật của trường được phép triển khai chương trình đào tạo để quản lý chất lượng chương trình đào tạo.

Hình thành thói quen làm việc theo chuẩn

Ảnh minh họa 

TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh nhấn mạnh, cần quản lý đồng bộ các yếu tố cấu thành chương trình đào tạo. Thứ nhất là đồng bộ trong việc xác định chuẩn đầu ra của từng chương trình đào tạo phải tương thích, bảo đảm tích hợp vào nội dung từng môn học hay học phần trong chương trình. Thứ hai là đồng bộ trong quản lý việc tổ chức đào tạo, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực… để phát triển phẩm chất, năng lực người học đáp ứng yêu cầu nghề giáo viên.

Các cơ sở đào tạo giáo viên cần quan tâm xây dựng tài liệu tham khảo, giáo trình giảng dạy đến đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý. Bên cạnh đó là xây dựng mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông vệ tinh để không chỉ đáp ứng yêu cầu gửi người học đến kiến tập, thực tập theo chương trình mà còn là nơi để người học được trải nghiệm trong suốt quá trình đào tạo.

Cùng với đó, các cơ sở đào tạo giáo viên cần đổi mới kiểm tra đánh giá người học theo phẩm chất, năng lực, chú trọng đánh giá quá trình, đánh giá sự phát triển của người học. Sau đó các cơ sở đào tạo có thể sử dụng kết quả đánh giá để điều chỉnh việc dạy - học. Để bảo đảm chất lượng trong đào tạo giáo viên của mỗi trường cần kết hợp giữa các tiêu chuẩn trong thông tư với các khía cạnh mới của Luật Giáo dục 2019 để hoàn thiện hệ thống chính sách. Xây dựng và phát triển chương trình đào tạo đảm bảo tính liên thông, tạo tiền đề cho sự chuyển tiếp trong nâng chuẩn đào tạo giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông và mầm non khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành. Trong quá trình áp dụng thông tư vào xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, hình thành thói quen làm việc theo chuẩn, tập hợp đầy đủ các minh chứng để phục vụ tự đánh giá chất lượng và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của trường theo quy định.

Ngày 5/2/2020, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 02/2020/TT-BGDĐT Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm. Theo đó, quy định các tiêu chí của tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo theo thang 7 mức; đồng thời quy định 10 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo, bao gồm: Chuẩn đầu ra; Chương trình đào tạo; Chương trình dạy học; Phương pháp tiếp cận; Tuyển sinh và hỗ trợ người học; Đánh giá kết quả học tập; Đội ngũ; Cơ sở vật chất và trang thiết bị; Bảo đảm và nâng cao chất lượng; Kết quả đầu ra. 

Minh Phong

Nguồn: http://etep.moet.gov.vn/

Người đăng:Phạm Thị Hiền
08-03-2020

Chuyển động ETEP