Sự sẵn sàng đổi mới của nhà giáo góp phần quan trọng xây dựng một nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh
Ngày cập nhật : 10/12/2018
“Sự sẵn sàng đổi mới của đội ngũ nhà giáo góp phần quan trọng xây dựng một nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2018 Chương trình ETEP, ngày 10/12/2018, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2018 Chương trình ETEP có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, bà Võ Kiều Dung, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới, chủ nhiệm chương trình ETEP và đại diện các Cục, Vụ, các dự án thuộc Bộ GD&ĐT và 8 trường đại học sư phạm/học viện tham gia ETEP.
Bà Võ Kiều Dung, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới, Chủ nhiệm Chương trình ETEP phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chỉ đạo, Ban quản lý Chương trình ETEP cần phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống LMS-TEMIS - hệ thống quản lý và bồi dưỡng qua mạng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ cơ sở giáo dục phổ thông (GV & CBQLCSGDPT); Phối hợp với các trường sư phạm chủ chốt xây dựng quy trình lựa chọn giảng viên chủ chốt, hoàn tất việc lựa chọn 12 module cho 3 cấp học bồi dưỡng cốt cán, các chương trình bồi dưỡng GV & CBQLCSGDPT.
TS Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Chương trình ETEP báo cáo hoạt động của Chương trình ETEP năm 2018.
TS Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Chương trình ETEP cho biết: Chương trình ETEP có mục tiêu cốt lõi là: bồi dưỡng thường xuyên, phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ cơ sở giáo dục phổ thông (GV & CBQLCSGDPT), bằng một mạng lưới hỗ trợ GV & CBQLCSGDPT tự bồi dưỡng. Mạng lưới ấy hình thành bởi chuyên gia của 8 trường, đội ngũ cốt cán hỗ trợ cho GV & CBQLCSGDPT của 63 tỉnh thành. Hình thức bồi dưỡng được đổi mới, đó là ứng dụng CNTT, thông qua hệ thống hệ thống quản lý, bồi dưỡng trực tuyến (LMS-TEMIS), bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ.
PGS.TS Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐHSP-ĐH Huế chia sẻ kinh nghiệm triển khai Chương trình ETEP.
Với việc tăng cường năng lực cho các trường: ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Hà Nội 2, ĐHSP – ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, ĐHSP – ĐH Huế, ĐHSP – ĐH Đà Nẵng, ĐHSP Tp Hồ Chí Minh và Học viện Quản lý Giáo dục (gọi chung là các trường ĐHSP chủ chốt), Chương trình ETEP hướng tới các kết quả chủ yếu: Tăng cường năng lực đào tạo, bồi dưỡng GV&CBQLCSGDPT cho các trường sư phạm được lựa chọn; Tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ cho GV&CBQLCSGDPT được thực hiện có chất lượng, đảm bảo tiến độ; Hỗ trợ các trường sư phạm phát triển hệ thống nguồn học liệu mở cho GV&CBQLCSGDPT trên nền tảng CNTT được thực hiện kịp thời, có chất lượng; Đánh giá nhu cầu, chất lượng, hiệu quả của các chương trình bồi dưỡng GV&CBQLCSGDPT trên hệ thống LMS-TEMIS được thực hiện có hiệu quả, chính xác và kịp thời.
Chương trình ETEP tập trung phát triển chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, CBQLCSGDPT, giảng viên sư phạm gồm: Phát triển chương trình đào tạo GV& CBQLCSGDPT: Xây dựng khoảng 50 chương trình đào tạo cử nhân sư phạm và 01 chương trình đào tạo thạc sĩ tiên tiến về quản trị trường phổ thông; Rà soát và đề xuất chương trình bồi dưỡng GV&CBQLCSGDPT, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo TS Nguyễn Ngọc Dũng, tới đây, sau khi hoàn thiện các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, hệ thống LMS-TEMIS, Chương trình ETEP sẽ tổ chức các khóa bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên phổ thông cốt cán, CBQLCSGDPT cốt cán, giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt. Khoảng 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán, 4.000 CBQLCSGDPT cốt cán sẽ được tập huấn, bồi dưỡng 54 module (09 module cho mỗi cấp học. Mỗi năm 03 module, liên tục trong 3 năm). Đội ngũ cốt cán này cùng với các chuyên gia của 8 trường sư phạm chủ chốt hỗ trợ việc tự bồi dưỡng cho khoảng 800.000 giáo viên phổ thông và 70.000 CBQLCSGDPT thông qua mạng, qua hệ thống LMS-TEMIS.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, vừa qua, Ban quản lý Chương trình ETEP phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục cùng các chuyên gia của trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Học viện Quản lý Giáo dục đã hoàn thành xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông. Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT, quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là Thông tư 14) và Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT, quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là Thông tư 20), đồng thời tổ chức triển khai tới 63 tỉnh thành, làm lan toả tinh thần của Thông tư 14 và Thông tư 20 trong thực tiễn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chỉ đạo Chương trình ETEP khẩn trương hoàn thành chương trình, tài liệu bồi dưỡng GV&CBQLCSGDP. Triển khai thực hiện Chương trình ETEP, Bộ GD&ĐT cố gắng biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, hỗ trợ GV&CBQLCSGDP tự bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Đội ngũ nhà giáo, những người trực tiếp tạo nên chất lượng giáo dục, đóng vai trò quyết định cho thành công của công cuộc đổi mới GD&ĐT. Vì thế, nâng cao năng lực, bồi dưỡng thường xuyên chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ, sự sẵn sàng đổi mới của đội ngũ này góp phần quan trọng xây dựng một nền giáo dục mở. Thực hiện thành công Chương trình ETEP góp phần quan trọng để thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, chuyển một nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang một nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh.
Đặng Thị Huệ