Triển khai Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông
Ngày cập nhật : 29/11/2018
Trong 3 ngày, từ 28 - 30/11/2018, tại Hải Phòng, Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) tổ chức Tập huấn triển khai Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT, ngày 20/7/2018 về việc ban hành chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là Thông tư 14) và Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT, ngày 22/8/2018 về việc ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là Thông tư 20).
Chương trình tập huấn thu hút sự quan tâm và đáp ứng mong đợi của học viên.
Hơn 260 đại biểu là những cán bộ sở/phòng giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên cấp tiểu học, THCS, THPT đến từ 22 tỉnh thành khu vực phía bắc, đại diện Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học sư phạm tham gia ETEP (phía Bắc) tham dự tập huấn.
Chương trình tập huấn nhằm giúp các địa phương triển khai thực hiện các thông tư này đúng quy định, đảm bảo đánh giá khách quan, đúng thực trạng phẩm chất, năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (GV & CBQLCSGDPT) theo chuẩn. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy công tác bồi dưỡng thường xuyên, phát triển đội ngũ GV & CBQLCSGDPT, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
TS Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc.
Phát biểu khai mạc chương trình tập huấn, TS Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục nhấn mạnh: “Đội ngũ GV&CBQLCSGDPT đóng vai trò then chốt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Bộ GD&ĐT đã ban hành 2 chuẩn mới: Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông. Đây là bộ công cụ quan trọng để làm rõ năng lực của đội ngũ, đánh giá hiện trạng đội ngũ đang ở mức nào. Bộ công cụ này đã tiếp cận được chuẩn quốc tế, cập nhật những vấn đề đổi mới giáo dục phổ thông, chương trình sách giáo khoa mới theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chuẩn mới tường minh, định lượng, định tính hơn, bao quát hết được những năng lực cần thiết của cán bộ quản lý và giáo viên. Việc tiếp cận, triển khai thực hiện tốt các chuẩn ở cơ sở nhằm hướng đến cái đích là mỗi GV,CBQLCSGDPT xác định đúng năng lực của mình để tự bồi dưỡng, các cấp quản lý xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực cho đội ngũ”.
Báo cáo viên Tôn Quang Cường làm rõ yêu cầu của minh chứng khi đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp.
Các học viên được cung cấp thông tin đầy đủ về căn cứ, mục đích ban hành thông tư, nội dung chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; Những yêu cầu, quy trình đánh giá và xếp loại kết quả đánh giá theo chuẩn; Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quy trình lựa chọn cốt cán; Công tác chỉ đạo, thực hiện đánh giá, xếp loại theo chuẩn. …
Báo cáo viên Đặng Thị Thanh Huyền nhấn mạnh vai trò quan trọng của chuẩn trong phát triển nghề nghiệp, công tác quản lý của GV&CBQLCSGDPT.
Đặc biệt thu hút sự quan tâm chú ý của đại biểu là các nội dung: Nguyên tắc tiếp cận, những điểm mới của chuẩn, nội dung cốt lõi của chuẩn; Hướng dẫn cách sử dụng chuẩn; Cách tập hợp minh chứng trong đánh giá, xếp loại theo chuẩn.
Sau phần giới thiệu về 2 thông tư quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông của các cán bộ, chuyên viên của Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục, 2 chuyên gia PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý giáo dục - Học viện Quản lý Giáo dục) và TS Tôn Quang Cường (Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội), các đại biểu chia nhóm để thảo luận và thực hành đánh giá theo chuẩn.
Bà Nguyễn Thanh Loan, đại diện Cục NG&CBAQLGD giải thích kỹ về quy trình đánh giá giáo viên theo chuẩn.
Nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận, ví dụ như: Vai trò và nhiệm vụ của giáo viên/cán bộ quản lý được nhấn mạnh như thế nào trong Thông tư 20 và Thông tư 14; Vì sao giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông muốn đạt chuẩn nghề nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu ở mức đạt của tất cả các tiêu chí? Việc đánh giá giáo viên theo Thông tư số 20 có chồng chéo với quy định về đánh giá Nghị định 56/2015/NĐ-CP Hà Nội, ngày 09/06/2015, của Chính phủ về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định 88/2017/NĐ-CP, ngày 27/7/2017 của Chính phủ về sửa đổi Nghị định 56/2015/NĐ-CP không? Những điểm nào cần lưu ý khi đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp? Nếu giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp hay dạy thêm học thêm, thu trái quy định thì có đạt chuẩn nghề nghiệp không? Tổ chuyên môn tổ chức lấy ý kiến đánh giá giáo viên như thế nào để đảm bảo chính xác và khách quan? Các minh chứng được sử dụng trong đánh giá chuẩn hiệu trưởng như thế nào? Những ý kiến của giáo viên trong đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn được sử dụng như thế nào? Kết quả đánh giá giáo viên và hiệu trưởng theo chuẩn ảnh hưởng thế nào trong việc đánh giá công nhận nhà trường đạt chuẩn Quốc gia?...
Thảo luận nhóm rất sôi nổi
Sử dụng chuẩn không phải để đánh giá thi đua
Tại buổi tập huấn, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, đại diện nhóm nghiên cứu, xây dựng chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông giải thích rõ, “điều quan trọng là cách tiếp cận và sử dụng chuẩn sao cho đúng tinh thần và mục tiêu của chuẩn”.
Theo bà Huyền, chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông ban hành nhằm giúp đỡ, hỗ trợ giáo viên/hiệu trưởng trong phát triển chuyên môn, nghiệp vụ/công tác quản lý nhà trường chứ không phải để đánh giá thi đua hay loại những người không đạt chuẩn. Mục tiêu là tìm ra những năng lực còn thiếu/yếu, cần bồi dưỡng để mỗi GV, CBQLCSGDPT tự tìm hiểu, tự học, tự bồi dưỡng nâng cao phẩm chất năng lực bản thân. Nguyên tắc tiếp cận, những điểm mới của hai chuẩn vừa ban hành chính là ở điểm này, chứ không phải để đánh giá thi đua. Điểm khác biệt cơ bản nhất của chuẩn mới so với những lần trước chính là ở chỗ đó.
Chăm chú lĩnh hội thông tin từ báo cáo viên
Từ việc đánh giá thực trạng đội ngũ theo chuẩn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương sẽ tạo cơ hội phát triển cho đội ngũ bằng một mạng lưới học tập mà Chương trình ETEP đang triển khai với nguồn học liệu mở, trên nền tảng công nghệ thông tin.
Chương trình ETEP đang xây dựng hệ thống quản lý, bồi dưỡng trực tuyến (LMS-TEMIS) và chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho GV, CBQLCSGDPT được kết nối với hệ thống LMS-TEMIS, hình thành mạng lưới hỗ trợ hoạt động tự bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc, với quan điểm: bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ. Mạng lưới này có sự tham gia của 8 trường Đại học Sư phạm/Học viện Quản lý Giáo dục, kết hợp với 63 tỉnh thành trong cả nước. Mỗi địa phương sẽ xây dựng một mạng lưới GV, CBQLCSGDPT cốt cán. Mỗi cụm từ 6-7 trường có 1 cán bộ quản lý cốt cán. Mỗi trường có một giáo viên cốt cán. Mạng lưới này với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu ở 8 trường Đại học Sư phạm/Học viện Quản lý Giáo dục, hỗ trợ liên tục cho các thầy cô bằng hệ thống bồi dưỡng qua mạng internet. Bất kỳ hiệu trưởng/giáo viên nào đặt câu hỏi sẽ có những người trong mạng lưới sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ.
Vừa nghe vừa tra cứu tài liệu
Chuẩn là căn cứ quan trọng để nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo
Các chuyên gia Đặng Thị Thanh Huyền, Tôn Quang Cường đều cho rằng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông là bộ công cụ quan trọng, đo năng lực để xác định nhu cầu bồi dưỡng thực sự của đội ngũ, đồng thời là căn cứ quan trọng để xây dựng các chương trình bồi dưỡng thường xuyên. Soi vào chuẩn, GV/CBQLCSGDPT tự thấy mình cần tăng cường năng lực nào, học nội dung gì, đăng ký các khoá học cụ thể nào trong các chương trình bồi dưỡng thường xuyên GV và CBQLGD được Bộ GD&ĐT ban hành.
Các đại biểu tranh luận tại buổi thảo luận nhóm
Từ góc độ đó, có thể nói Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông là một trong những giải pháp để phát triển chất lượng đội ngũ nhà giáo, khẳng định vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông nói riêng và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung.
Tới đây, chương trình tập huấn triển khai Thông tư Số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục tổ chức tại Cần Thơ và Đà Nẵng vào đầu tháng 12/2018.
Đặng Thị Huệ