Một số vấn đề về phát triển đội ngũ giáo viên ở Singapore, Malaysia và bài học cho Việt Nam


28-01-2019
“Chất lượng của một nền giáo dục không thể vượt ngoài chất lượng của đội ngũ giáo viên” (Barber & Mourshed, 2007; Dinham, 2007). Thế giới đang thay đổi nhanh chóng với những thách thức đối với từng cá nhân và cả xã hội. Để đáp ứng được với những thách thức này, học sinh cần được trang bị những kĩ năng và kiến thức mới để hình thành và phát triển năng lực. Chính những thay đổi trong yêu cầu về phát triển năng lực học sinh đã dẫn đến những thay đổi về yêu cầu năng lực mà giáo viên cần có để dạy học một cách hiệu quả trước bối cảnh mới của thế kỉ XXI.

Singapore và Malaysia là hai quốc gia thuộc châu Á, từng đi lên, phát triển mạnh mẽ từ nghèo đói và chiến tranh. Nói đến Singapore là nói đến một trong những câu chuyện thành công của giáo dục châu Á. Một trong những lí do đặc biệt quan trọng khiến Singapore rất thành công trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới trong một thời gian ngắn là Chính phủ nước này đã xây dựng và thực hiện hiệu quả những chính sách kịp thời, hợp lí và xứng đáng cho đội ngũ làm giáo dục. Còn Malaysia, kể từ khi giành được độc lập vào năm 1957, giáo dục đã đóng vai trò nổi bật như là một phần không thể tách rời của chính sách phát triển của Chính phủ. Giáo dục đã trải qua những thay đổi và phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm. Chính sách phát triển nghề nghiệp giáo viên đã được Chính phủ quan tâm thực hiện và đã có những ưu việt so với khu vực. Đứng trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, kinh nghiệm về đổi mới giáo dục nói chung và phát triển đội ngũ giáo viên của Singapore và Malaysia sẽ là bài học quý giá để chúng ta học tập, vận dụng vào bối cảnh thực tiễn.

Chính sách phát triển giáo viên ở Malaysia

Tuyển sinh và đào tạo

Chính phủ Malaysia xác định hướng đào tạo giáo viên là tạo ra những giáo viên cao quý, chu đáo, trí thức, khéo léo, sáng tạo và đổi mới, kiên trì và có năng lực, có tầm nhìn khoa học, cam kết duy trì những khát vọng của đất nước, tự hào về di sản và tận tâm vì sự phát triển của cá nhân và bảo toàn một xã hội thống nhất, tiến bộ và có kỉ luật. Định hướng này được cụ thể hóa thành nguyên lí trong chương trình đào tạo giáo viên, trong đó khuyến khích sự phát triển sự hài hòa, mọi tiềm năng của cá nhân, được đào tạo và có kĩ năng và Bộ Giáo dục đảm bảo đáp ứng những nguyện vọng đó.

Áp dụng chính sách giáo dục của Phần Lan - một quốc gia có hệ thống giáo dục chất lượng hàng đầu thế giới - Chính phủ Malaysia quán triệt chủ trương tuyển sinh viên giỏi vào học trường sư phạm.

Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm lên kế hoạch và tổ chức hoạt động đào tạo trong và sau đại học cho đội ngũ giáo viên để đáp ứng nhu cầu của các trường. Cả các Viện Giáo dục và đại học đều chịu trách nhiệm đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Với sự thành lập của Bộ Giáo dục Đại học vào năm 2004, việc đào tạo giáo viên phổ thông và tiểu học được chia ra: Bộ Giáo dục Đại học đào tạo giáo viên phổ thông tại các trường đại học công lập còn Bộ Giáo dục đào tạo giáo viên tiểu học tại Viện Giáo dục.

Quá trình giám sát việc đào tạo giáo viên của Malaysia là do Viện Đào tạo Giáo viên (Teacher Education Division - TED) của Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm.

Chương trình đào tạo giáo viên được cung cấp bởi các trường đại học và Viện Giáo dục. Ngoài ra, có nhiều giáo viên cũng lựa chọn nâng cao bằng cấp của mình thông qua các khóa học tại các trường này. Nhiều người trong số họ chọn học 1 năm tại Viện Giáo dục, sau đó học tiếp hai năm tại một trường đại học công lập và tất cả chi phí đều được tài trợ bởi Bộ Giáo dục.

Tổng cộng có 27 trường cao đẳng tại 14 bang của Malaysia đang cung cấp các khóa

đào tạo và bồi dưỡng giáo viên (UNESCO, 2008).

Mỗi Viện Giáo dục có từ 800 - 1000 sinh viên. Những sinh viên này sẽ mất một năm để lấy được chứng chỉ về giảng dạy (Postgraduate Diploma) và năm năm rưỡi để có bằng cử nhân sư phạm. Những giáo viên đang đi làm và có nhu cầu nâng cao trình độ có thể tham gia các khóa học dài 2 - 3 ngày do giảng viên của nhiều ngành khác nhau giảng dạy. Những khóa học này kéo dài từ vài ngày cho đến vài tuần, vài tháng và đóng vai trò như những khóa bổ trợ [5].

Để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, Chính phủ Malaysia đã đưa ra nhiều cuộc cải cách từ việc lựa chọn, tuyển dụng, nội dung chương trình đào tạo, công nghệ thông tin, độ dài, nội dung và phương pháp đào tạo đến cách tiếp cận (Lee, 2004).

Bộ Giáo dục Malaysia đã đưa ra tiêu chuẩn là đến năm 2010, tất cả giáo viên phổ thông phải có ít nhất một bằng cử nhân mới được phép dạy (Ministry of Education, 2001).

Tuyển dụng và bồi dưỡng

Một chính sách nữa được thực hiện bởi Bộ Giáo dục Malaysia để nâng cao chất lượng giáo viên, đó là thu hút nhân tài và nâng cao vị thế nghề dạy học. Theo Chương trình đãi ngộ của Malaysia, lương của giáo viên được chia theo bằng cấp của họ và gồm 2 loại: có bằng cử nhân và không có bằng cử nhân, dựa vào các biểu hiện công tác, bằng cấp khác, kinh nghiệm cũng như cấp bậc giảng dạy mà giáo viên được bổ nhiệm (Lee, 2004; Tam & Cheng, 2007).

Malaysia quảng bá tiêu chuẩn cao và điều kiện làm việc tốt dành cho giáo viên nằm trên mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính phủ Malaysia đưa ra nhiều chương trình cũng như hỗ trợ để đảm bảo lực lượng giáo viên tiểu học và phổ thông của họ đều hoàn thành bậc cử nhân. Ngoài ra, họ còn đưa ra các cải cách hướng đến vai trò và phương pháp giảng dạy của giáo viên nhằm đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế dựa vào tri thức.

Phát triển nghề nghiệp cho giáo viên là một vấn đề quan trọng trong chính sách giáo dục của bất kì quốc gia nào nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả giảng dạy. Malaysia đã xây dựng hai chiến lược phát triển giáo dục: “Kế hoạch phát triển giáo dục 2006 - 2010” và “Kế hoạch giáo dục quốc gia” 2013 - 2025, hướng tới phát triển chuẩn và chất lượng giáo dục. Trong rất nhiều chiến lược được nêu ra, chiến lược khiến nghề dạy học trở thành một nghề “danh giá” để đảm bảo rằng các trường tuyển được các giáo viên giỏi, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục nói chung.

Chính phủ Malaysia cũng thể hiện những nỗ lực không ngừng trong việc bồi dưỡng phát triển sự nghiệp giảng dạy của giáo viên. Song song với việc cải cách chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm, chuẩn nghề nghiệp giáo viên cũng được ban hành năm 2009, cung cấp chuẩn so sánh để giáo viên phấn đấu đạt chuẩn. Các chương trình đào tạo căn cứ vào chuẩn để xây dựng và tiến hành đào tạo.

Đối với vấn đề phát triển nghề nghiệp giáo viên, các trường sư phạm phải có cam kết giúp đỡ giáo viên do mình đào tạo về mặt kiến thức và thực tiễn nghề nghiệp. Chính sách quốc gia đòi hỏi giáo viên phải tham gia vào việc bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp một cách thường xuyên, ngay từ khi bắt đầu hoạt động nghề. Hình thức có thể đa dạng, như khóa học được cấp bằng, khóa học không được cấp bằng, hội thảo, hoặc các trải nghiệm phát triển nghề nghiệp không chính thức.

Chính sách tuyển dụng giáo viên ở Malaysia hết sức chặt chẽ, chỉ tuyển 30% những sinh viên tốt nghiệp, có kết quả điểm số cao, ở các khoa giáo dục và trường sư phạm vào các trường công lập.

Giáo viên được khuyến khích học thạc sĩ và tiến sĩ với rất nhiều chương trình học bổng của nhà nước tài trợ. Ở Malaysia, hầu hết giáo viên phổ thông có bằng thạc sĩ hoặc bằng tốt nghiệp cử nhân sư phạm, giáo viên tiểu học chủ yếu có bằng cử nhân hoặc cao đẳng.

Malaysia là quốc gia đầu tiên tiên phong trong việc thực hiện kế hoạch chiến lược áp dụng công nghệ thông tin trong giáo dục. Những chính sách đầu tiên về việc này bắt đầu từ Kế hoạch lần thứ 6 của Malaysia (1990 - 1995) như một công cụ để đạt được tầm nhìn đến 2020. Từ đó, việc áp dụng công nghệ thông tin vào giáo dục được đưa vào các chương trình hành động của Malaysia.

Một trong những chính sách nhằm công nghệ thông tin hóa hệ thống giáo dục của Malaysia là việc Chính phủ đầu tư cho cơ sở vật chất. Trong Kế hoạch Malaysia lần thứ 9, Chính phủ đã xác định dành 2,9 tỉ Ringgit cho phát triển cơ sở hạ tầng và trang thiết bị công nghệ thông tin (Government of Malaysia, 2006). Đối với việc đào tạo giáo viên thì số tiền này được dùng vào việc xây dựng mạng nội bộ của các trường. Việc cải tiến chất lượng tốc độ truy cập internet tại các trường cũng được tiến hành thường xuyên để tạo điều kiện cho giảng viên sư phạm tiếp cận, áp dụng và đánh giá những thông tin có trên mạng internet để phục vụ việc đào tạo giáo viên.

Đãi ngộ, khuyến khích và tôn vinh nhà giáo

Bộ Giáo dục Malaysia đặt mục tiêu nâng cao vị thế của nghề dạy học bằng cách cải thiện chất lượng giáo viên, nghề dạy học và phúc lợi cho giáo viên. Trong đó mục tiêu cụ thể là 50% giáo viên tiểu học và 100% giáo viên phổ thông phải có bằng cử nhân. Để đạt được mục tiêu này, Bộ khuyến khích giáo viên nâng cao bằng cấp của họ thông qua các khóa học tại chức hoặc từ xa trong và ngoài nước thuộc chương trình bồi dưỡng của Bộ.

Chính phủ đã dành một phần lớn ngân sách giáo dục hằng năm để thực hiện đào tạo giáo viên. Ví dụ, số tiền dự kiến trong năm 2008 cho các chương trình đào tạo giáo viên là 200 triệu Ringgit (Mokshein, S.E., Ahmad, H. và Vongalis-Macrow, A., 2009). Hai loại hình đào tạo giáo viên được thực hiện là khóa học nâng cao trình độ và khóa học nâng cao kĩ năng kiến thức, với thời gian ngắn hơn một năm.
Chính phủ Malaysia tiếp tục nỗ lực nâng cao nghề giảng dạy qua việc cải tiến chính sách đãi ngộ giáo viên về thù lao và các cơ hội thăng tiến (xem sơ đồ dưới đây).

Tỷ lệ tăng lương cho giáo viên và một số dịch vụ công cộng khác

(Nguồn: Dữ liệu từ Bộ Dịch vụ Công Malaysia (trích lại Mosheim, S.E., Ahmad, H. & Vongalis-Macrow, A., 2009)

Giáo viên dạy những môn học quan trọng như Anh văn, Khoa học, Toán học và Kĩ thuật được cấp thêm phụ cấp. Chi phí khoảng xấp xỉ 638 triệu Ringgit, một khoản tiền lớn trong tổng số 30 tỷ Ringgit dành cho giáo dục năm 2008. Vào năm 2007, một khoản phụ cấp đặc biệt được dành cho giáo viên giảng dạy tại các khu vực hẻo lánh, dao động từ 500 đến 1500 Ringgit tùy theo khoảng cách địa lí vùng sâu vùng xa.

Giảng viên và giáo viên có thành tích xuất sắc được khen thưởng thông qua một hệ thống phân loại thù lao và tiền thưởng. Ngoài ra còn có một chương trình giáo viên cốt cán (chương trình thăng tiến) đã được giới thiệu vào năm 1993 ghi nhận những đóng góp về thâm niên công tác và chuyên môn của giáo viên. Những người đứng đầu các sở, ban ngành xác định giáo viên xuất sắc dựa trên quan sát và đánh giá của Thanh tra trường học liên bang, những người chứng thực năng lực giảng dạy của giáo viên. Các mục tiêu cho chương trình thăng tiến cho giáo viên giỏi như sau:

  1. Ghi nhận những giáo viên có thành tích tốt trong lĩnh vực hay chuyên môn của mình.
  2. Nâng cao chất lượng giảng dạy.
  3. Đóng vai trò làm mẫu cho các giáo viên khác để nâng cao xếp loại trường thông qua việc áp dụng kinh nghiệm và chuyên môn của các giáo viên cốt cán.
  4. Mở rộng cơ hội thăng tiến trong dịch vụ giáo dục.
  5. Thăng tiến đối với giáo viên mà họ không phải nghỉ giảng dạy hoặc thay đổi vai trò lãnh đạo của họ (Hamzah, M. S. G., Hapidah, M. & Ghorbhani, M. R., 2008).

Trong năm 2002, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính đã dành 5 tỷ RM cho việc áp dụng dạy Khoa học và Toán học bằng Tiếng Anh, trong thời gian 7 năm. Bộ Giáo dục tổ chức các khóa học phát triển chuyên môn cho các giáo viên Toán, Khoa học, được biết đến như là khóa học Tiếng Anh trong việc giảng dạy Toán học và Khoa học để phát triển kĩ năng ngôn ngữ. Giáo viên được yêu cầu phải tham gia khóa học để sử dụng các tài liệu học tập do Bộ cung cấp. Có hơn 50.000 giáo viên Toán và Khoa học tham gia khóa học này thông qua chương trình đào tạo và được cung cấp tài liệu như sách giáo khoa, sách hướng dẫn giáo viên và tài liệu phụ trợ. Giáo viên cũng được cấp Laptop và màn LCD để khuyến khích họ sử dụng đa phương tiện trong việc giảng dạy, cũng như phụ cấp thêm 5% lương cơ bản hằng tháng.

Bộ Giáo dục cũng bắt tay hợp tác với các Bộ và cơ quan ban ngành khác với nhiều ý kiến sáng tạo để phục vụ cho việc phát triển đội ngũ lãnh đạo công nghệ thông tin và tăng cường khả năng lãnh đạo ngành giáo dục ở mọi cấp độ để thích ứng với việc áp dụng công nghệ thông tin trong đào tạo giáo viên. Hiện tại, họ có mạng nội bộ hay công nghệ mạng Metro-E dùng cho việc tiếp cận và kết nối. Các giáo viên trong chương trình đào tạo và bồi dưỡng có thể truy cập tài liệu dạy và học thông qua mạng lưới học tập Malaysia. Chương trình đào tạo cử nhân kĩ năng và chương trình thực tập cho những người mới tốt nghiệp cung cấp việc đào tạo kĩ năng tiên tiến, cũng như đào tạo lại kĩ năng cho hơn 2000 người tham gia. Kế hoạch lần thứ 9 của Malaysia đã phân bổ 12 tỷ RM cho việc phát triển công nghệ thông tin và hạ tầng cơ sở, đào tạo,...

Trợ cấp và khuyến khích là yếu tố quan trọng để duy trì chất lượng giáo viên, nhận diện các điều kiện giảng dạy khác nhau và khen thưởng những giáo viên xuất sắc. Khen thưởng có thể thể hiện dưới dạng vật chất hoặc phi vật chất rất quan trọng trong bối cảnh giáo viên Malaysia có thu nhập còn thấp. Ở hệ thống giáo dục Malaysia, giáo viên là nhân viên nhà nước nên đủ điều kiện để hưởng trợ cấp về nhà ở, dịch vụ công, chi phí sinh hoạt.

Giáo viên giỏi được nhận trợ cấp và cũng được thăng chức nhằm ghi nhận sự xuất sắc của họ trong một lĩnh vực, để nêu gương cho các giáo viên khác, tăng chất lượng giáo dục của trường, phát triển giáo viên mà không di chuyển họ sang các công việc và chức trách mang tính hành chính.

Chính phủ đã tạo điều kiện để việc nỗ lực sử dụng máy tính, Laptop, và màn LCD thúc đẩy giáo viên tiến bộ về chuyên môn. Chính phủ thường khen thưởng, tặng bằng khen cho giáo viên giỏi làm cho họ cố gắng hơn trong công việc và giữ vững danh hiệu giáo viên xuất sắc. Hiệu trưởng các trường được công nhận khi trường của họ hoàn thành tốt hơn các trường khác và họ được chứng nhận trường có thành tích xuất sắc. Giáo viên được khuyến khích theo học lấy bằng cấp cao hơn về các lĩnh vực khác nhau.

Một số điểm mạnh và hạn chế trong chính sách và thực tiễn bồi dưỡng giáo viên của Malaysia

Điểm mạnh: Cung cấp nhiều khóa bồi dưỡng chính thức phát triển nghề nghiệp giáo viên. Giáo viên rất tích cực và chủ động tham gia vào các hoạt động phát triển nghề nghiệp chính thức và cả không chính thức. Các hoạt động phát triển nghề nghiệp không chính thức có thể bao gồm rút kinh nghiệm từ trải nghiệm dạy học, thảo luận và nghiên cứu qua mạng lưới giáo viên.

Điểm hạn chế: Chính phủ Malaysia còn chú trọng quá nhiều vào các hoạt động phát triển nghề nghiệp chính thức mà chưa quan tâm phát triển thích đáng hoạt động phát triển nghề nghiệp không chính thức.

  • Giáo viên cảm thấy quá tải với khối lượng công việc và trách nhiệm được giao nên có ít thời gian và năng lượng dành cho phát triển nghề nghiệp.
  • Giáo viên cho rằng các hoạt động phát triển nghề nghiệp chính thức có rất ít tác dụng với thực tiễn hàng ngày của họ.
  • Giáo viên chưa coi rằng phát triển nghề nghiệp chính là trách nhiệm của họ và họ cần phải đóng góp vào các khóa học này.
  • Có sự chưa thấu hiểu và tạo điều kiện từ cấp trên đối với giáo viên.
  • Thiếu sự tham gia của các nhà giáo dục trong hệ thống phát triển nghề nghiệp giáo viên.

Đề xuất: Nên có sự phối hợp giữa các nhà giáo dục, giáo viên và những người làm chính sách. Việc học tập phát triển nghề nghiệp tại môi trường làm việc có thể sẽ hiệu quả hơn.

Chính sách phát triển giáo viên ở Singapore

Tuyển sinh và đào tạo

Singapore là quốc gia nổi tiếng với cách tiếp cận toàn diện trong việc xác định và nuôi dưỡng những mầm non cho nghề dạy học. Họ phát triển cả một hệ thống toàn diện từ lựa chọn, đào tạo, đãi ngộ và phát triển giáo viên, hiệu trưởng, bởi vậy họ đã tạo ra nguồn lao động dồi dào cho nghề dạy học. Ở Singapore, những nhân tài về dạy học sẽ được xác định và nuôi dưỡng từ sớm.

Tại Singapore, 1/3 số học sinh tốt nghiệp loại xuất sắc mới có thể đăng kí theo học nghề giáo. Sau khi đăng kí, những thí sinh này vẫn phải qua vòng sàng lọc của Viện Giáo dục Quốc gia Singapore. Tất cả giáo viên đều được đào tạo tại Viện Giáo dục Quốc gia Singapore thuộc Đại học Kĩ thuật Nanyang. Sinh viên có thể học để lấy bằng cao đẳng hoặc cử nhân phụ thuộc vào điểm đầu vào của họ. Viện Giáo dục có mối liên hệ chặt chẽ với các trường học, nơi mà giáo viên mới được hướng dẫn trong vài năm đầu tiên. Trường học có các chương trình tuyển dụng linh hoạt dành cho giáo viên có nhu cầu học thêm.

Tuyển dụng và bồi dưỡng

Tuyển dụng: Những giáo viên tiềm năng được lựa chọn cẩn thận từ nhóm học sinh thuộc nhóm 1/3 dẫn đầu trong kì thi tốt nghiệp phổ thông thông qua một hội đồng gồm nhiều hiệu trưởng. Năng lực học thuật tốt là một điều kiện quan trọng để đảm bảo cam kết đối với nghề và khả năng dạy học sinh từ nhiều tầng lớp xã hội. Giáo viên tiềm năng sẽ nhận được một khoản trợ cấp hằng tháng khá cạnh tranh so với lương tháng dành cho sinh viên mới tốt nghiệp của các ngành khác. Những giáo viên này sẽ phải cam kết dạy học trong vòng 3 năm. Tình yêu dành cho nghề giáo viên đã được vun trồng từ sớm thông qua những khóa thực tập dành cho giáo viên cấp ba. Ngoài ra, Chính phủ cũng có chính sách tuyển dụng những người đang đi làm những ngành nghề khác để đem đến những kiến thức thực tế cho học sinh.

Bồi dưỡng: Mỗi năm giáo viên phải tham gia đủ 100 giờ học bồi dưỡng. Có nhiều cách để tham gia các khóa bồi dưỡng này. Hầu hết các khóa học bồi dưỡng đều được thực hiện tại trường bởi các chuyên gia. Nhiệm vụ của họ là tìm ra các vấn đề trong giảng dạy tại trường đó và khắc phục hoặc giới thiệu những phương pháp giảng dạy mới hay một công nghệ mới. Mỗi trường sẽ có một khoản kinh phí giúp giáo viên phát triển năng lực bản thân bao gồm cả việc ra nước ngoài học hỏi nền giáo dục của nước khác [1].

Đãi ngộ, khuyến khích và tôn vinh nhà giáo

Đãi ngộ: Bộ Giáo dục Singapore kiểm soát chặt chẽ lương khởi điểm cho mỗi ngành nghề và đã điều chỉnh lương của giáo viên mới để đảm bảo việc dạy học là một ngành nghề hấp dẫn. Dạy học được coi là công việc toàn thời gian và giáo viên với biểu hiện tốt trong công việc sẽ nhận được các khoản thưởng.

Khen thưởng: Giáo viên sẽ được đánh giá hằng năm dựa theo 16 nhóm năng lực. Trong đó, người ta tính đến đóng góp của giáo viên đối với sự phát triển về học thuật cũng như tính cách của học sinh, mối quan hệ của giáo viên với phụ huynh và cộng đồng cũng như đóng góp với đồng nghiệp và trường học. Những người có biểu hiện tốt sẽ được thưởng và tiền này trích từ quỹ phần thưởng của trường.

Phát triển nghề nghiệp: Sau ba năm đầu dạy học theo cam kết, giáo viên sẽ được đánh giá hằng năm để xem con đường nào phù hợp với họ trong 3 con đường: giáo viên cao cấp, chuyên gia về chương trình hoặc nhà nghiên cứu và cuối cùng là lãnh đạo. Mỗi một con đường có bậc lương riêng. Giáo viên với tiềm năng trở thành lãnh đạo sẽ được tuyển vào nhóm quản lí bậc trung và nhận được đào tạo phù hợp với vị trí mới. Những quản lí bậc trung này sẽ được đánh giá để cất nhắc lên thành hiệu phó và rồi hiệu trưởng. Ở mỗi bước phát triển thì ứng viên đều được trải nghiệm cũng như đào tạo để chuẩn bị cho vị trí lãnh đạo.

Lựa chọn lãnh đạo và quá trình đào tạo: khác với Hoa Kì và Vương quốc Anh, nơi mà người ta có thể chọn để được đào tạo thành hiệu trưởng rồi sau đó nộp đơn vào một vị trí đó; ở Singapore, giáo viên trẻ được đánh giá liên tục về năng lực lãnh đạo và được tạo cơ hội để thể hiện cũng như học hỏi. Một vài người sẽ được chuyển tới làm việc tại Bộ Giáo dục và khi có đủ kinh nghiệm thì những ứng viên này sẽ được tham gia phỏng vấn và trải nghiệm những bài tập tình huống lãnh đạo. Khi vượt qua được những bài kiểm tra này, ứng viên sẽ theo học một khóa 6 tháng dành cho lãnh đạo tại Viện Giáo dục Quốc gia và vẫn được trả lương. Quá trình này là toàn diện và vất vả. Trong quá trình học sẽ có một chuyến học tập tại nước ngoài và một dự án cải cách trường học. Mỗi năm chỉ có 35 người được lựa chọn cho khóa học này [1].

Để nâng cao kiến thức và kĩ năng, giáo viên được tạo điều kiện để học tập. Với giáo viên có nhu cầu theo học khóa thạc sĩ tại chức, họ sẽ được tạo cơ hội để chọn việc dạy học bán thời gian tại trường. Khi hoàn thành khóa thạc sĩ ngành học được chấp nhận, giáo viên đó sẽ nhận được một khoản tiền trị giá 4.000 đôla Sing. Ngoài ra, Bộ Giáo dục cũng có học bổng thạc sĩ toàn phần để khuyến khích giáo viên học cao hơn. Những giáo viên chưa có bằng cử nhân có thể hoàn thành khóa Advanced Diploma tại Viện Giáo dục Quốc gia [9].

Bộ Giáo dục Singapore thường xuyên xem xét mức lương dành cho giáo viên để đảm bảo mức lương này có thể cạnh tranh với mức lương của các ngành nghề khác. Đối với một sinh viên mới ra trường với bằng cử nhân thì mức lương một năm sẽ là 41.976 đô la Sing.

Về đãi ngộ và phúc lợi khác thì giáo viên Singapore được hưởng tất cả những đãi ngộ dành cho viên chức nhà nước bao gồm: tiền thưởng năm, tiền thưởng cho kết quả công việc, tiền đóng quỹ hưu trí, tiền thuốc men và nghỉ phép hằng năm. Nếu giáo viên làm việc gắn bó lâu dài sẽ nhận được tối đa số tiền thưởng là 168.800 đô la Sing cho 30 năm công tác [7].

Bài học kinh nghiệm cho phát triển giáo viên ở Việt Nam

Bài học từ việc phát triển đội ngũ của Singapore

Hệ thống đào tạo và bồi dưỡng giáo viên và cán bộ giáo dục của Singapore bao gồm nhiều yếu tố có quan hệ và hỗ trợ lẫn nhau để cùng hướng tới mục tiêu cuối cùng là đảm bảo mỗi trường có đủ giáo viên có chất lượng và được lãnh đạo bởi một hiệu trưởng có năng lực (xem sơ đồ sau).

 

 

(Nguồn: Linda, D. H. & Robert R. (Ed.) (2011), Teacher - Leader Effectiveness Report. Stanford Center for Opportunity Policy in Education)

Theo như sơ đồ trên thì người ta sẽ tuyển dụng những ứng viên tiềm năng, đào tạo họ, nuôi dưỡng tình yêu và cảm hứng với nghề dạy học, sau khi họ ra trường và đi làm thì tiến hành đánh giá và cung cấp cơ hội để tiếp tục phát triển bản thân và đồng thời tạo cơ hội để họ thăng tiến trong nghề nghiệp nhằm giữ lại nhân tài dạy học.

  • Tuyển đúng người ngay từ đầu. Ứng viên phù hợp không những phải có cam kết lâu dài với nghề nghiệp và năng lực về học thuật mà còn phải chứng minh khả năng làm việc tốt với trẻ em.

Ở Singapore, học phí cho khóa học sư phạm được tài trợ bởi nhà nước. Ngoài ra, sinh viên sư phạm còn nhận được khoản trợ cấp hoặc lương trong quá trình đào tạo. Sau khi tốt nghiệp và đi làm, những giáo viên mới sẽ dành 2 năm đầu tiên để học tập với những chuyên gia giáo dục. Trong khoảng thời gian này, họ chỉ dạy 2/3 số lượng giờ dạy của một giáo viên đã có kinh nghiệm. Họ sẽ tham gia các khóa về quản lí lớp học, tư vấn, thực hành việc tự phản ánh và đánh giá được đưa ra bởi Viện Giáo dục Quốc gia và Bộ Giáo dục.

  • Biến nghề dạy học thành một nghề hấp dẫn.
  • Đầu tư vào bồi dưỡng giáo viên.
  • Chủ động tuyển dụng và bồi dưỡng lãnh đạo có năng lực [8].
  • Sử dụng mô hình phát triển nghề nghiệp dựa vào trường học.
  • Sử dụng công nghệ (xây dựng các mạng lưới, cộng đồng) trong việc hỗ trợ giáo viên trước, trong và sau các khóa phát triển nghề nghiệp.

Bài học rút ra từ phát triển đội ngũ giáo viên của Malaysia

  • Về tầm quan trọng của việc đầu tư cho giáo viên từ những giai đoạn ban đầu: Bằng cấp của giáo viên không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng bài giảng mà còn ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Mặt bằng bằng cấp cao - chủ yếu là do quá trình lựa chọn tuyển dụng - có thể giúp thu hút những học viên ưu tú tham gia nghề dạy học. Bộ Giáo dục cũng rất chú trọng trong việc đầu tư cho giáo viên trong thời gian dài thông qua các khóa học bồi dưỡng hiệu quả nhằm rút ngắn khoảng cách trong kiến thức và kĩ năng của giáo viên, đồng thời nâng cao khả năng sáng tạo của họ. Vì vậy, cần xác định nhiệm vụ của giáo viên là gì và từ đó tạo ra môi trường làm việc phù hợp để họ có thể tập trung vào công việc của họ: việc giảm các công việc hành chính là một đặc quyền chính trong đó.

Trong thế kỉ XXI, việc phát triển giáo viên phải dựa trên hình thức đào tạo giáo viên trong đó họ không chỉ là những người truyền đạt kiến thức đơn thuần mà còn cần có khả năng thích ứng với nhu cầu cá nhân của học sinh thông qua các phương pháp giảng dạy phù hợp.

  • Vai trò của công nghệ thông tin trong giáo dục: Việc xác định một nền giáo dục hướng tới công nghệ thông tin là mục tiêu chiến lược quan trọng và lâu dài đối với mỗi quốc gia. Chỉ khi xác định được mục tiêu này thì các trường học mới có thể cung cấp cơ sở vật chất theo kịp sự phát triển của công nghệ thông tin. Và giáo viên sẽ được đào tạo để không chỉ là người hướng dẫn công nghệ thông tin mà còn giúp nâng cao kĩ năng giải quyết vấn đề, sự sáng tạo, và suy nghĩ phản biện của học sinh [12].
  • Phát triển mô hình và mạng lưới phát triển nghề nghiệp không chính thức bên cạnh các khóa chính thức: qua các diễn đàn và cộng đồng học tập.
  • Hỗ trợ giáo viên về mặt vật chất để có thể tham gia các khóa học bồi dưỡng đạt bằng cấp.
  • Nâng chuẩn tuyển chọn sinh viên sư phạm, chuẩn tuyển chọn giáo viên vào làm việc tại các trường.
  • Tăng cường đãi ngộ cho giáo viên: ở các vùng đặc biệt, với đối tượng đặc biệt, giáo viên giỏi xuất sắc.
  • Hình thức và thời gian bồi dưỡng đa dạng.

Cùng nằm trong khối ASEAN, Singapore và Malaysia có nhiều điểm tương đồng trong phát triển nghề nghiệp giáo viên (Bộ Giáo dục quản lí toàn bộ hoạt động đào tạo và bồi dưỡng; Chính phủ hai nước đều đặt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo viên thông qua việc tạo cơ hội học thêm, lương thưởng, đãi ngộ; Tập trung vào đào tạo giáo viên từ giai đoạn ban đầu), giáo dục nói chung và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nói riêng của hai nước trong hơn 50 năm qua đã có những thành tựu lớn với những bước phát triển vượt bậc. Đó là do sự nỗ lực của Chính phủ hai nước trong việc đề ra sách lược, tầm nhìn, xây dựng triết lí giáo dục và sự mạnh dạn đầu tư cho giáo dục, cho đào tạo và phát triển nghề nghiệp giáo viên. Các chính sách ưu việt của hai nước dành cho đào tạo và bồi dưỡng giáo viên đã có tác động quyết định và tạo ra thành quả cụ thể. Cũng là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, cùng chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo, Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu và học tập các bài học kinh nghiệm trong giáo dục của Singapore và Malaysia, góp phần đưa giáo dục Việt Nam, đưa sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng giáo viên trong thời gian không xa, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Andreas, S. (Ed.), (2012). Preparing teachers and developing school leaders for the 21st century - Lesson from around the world. Background report for the International Summit on the Teaching Profession - OECD.

2. Asariah, B. M. S. The next generation of teachers: The Malaysian Perspective.

3. Dinham, S., 2007, How schools get moving and keep improving: Leadership for teacher learning, student success and school renewal. Australian Journal of Education, 51(3), 263 - 275.

4. Jamil, H., Razak, N. A.and more, (2010). A study of the policies and practices and education in Malaysia towards producing quality pre-service teachers - The Second East Asian International Conference on Teacher Education Research, Hong Kong.

5. Lee, M. N. N., (2004). Malaysian teacher education into the new century. In K. W. C. Y. C. Cheng, & M.M. C. Mok (Ed.). Reform of teacher education in Asia-Pacific in the new millennium (pp. 81-92). Dordrencht, the Netherlands: Kluwer Academic Publisher.

6. Lim, K. M., (2014). Teacher Education and Teaching Progression in Singapore. Paper presented at the International Conference on the Teaching Profession in ASEAN, Bangkok, Thailand.

7. Linda, D. H. & Robert R. (Ed.), (2011). Teacher - Leader Effectiveness Report. Stanford Center for Opportunity Policy in Education.

8. Low, E.-L., & Tan, O.-S., (2017). Teacher Education Policy: Recruitment, Preparation and Progression. In Tan, O.-S.; Liu, W.-C.; Low, E.-L. (Eds.) (2017). Teacher Education in the 21st Century - Singapore’s Evolution and Innovation.

9. Ministry of Education Malaysia, (2001). Pembangunan Pendidikan 2001 - 2010 (Education Development 2001 - 2010). Malaysia, Kuala Lumpur: Ministry of Education.

10. UNESCO (2008). Malaysia-Salient Features: Basic facts and salient features of teacher education in the country, including present and emerging issues and challenges. Status of teacher education in the Asia-Pacific Region (pp. 77-88): International Reading Association.

11. UNESCO, (2013). Malaysia - Education Policy Review.

12. Hazri Jamil, Nordin Abd. Razak, Reena Raju và Abdul Rashid Mohamed trong Phát triển chuyên môn giáo viên ở Malaysia: Những vấn đề và thách thức, Đại học Sains Malaysia).

PGS.TS. Trương Thị Bích - Viện Nghiên cứu Sư phạm

Người đăng:admin admin
28-01-2019

Tin mới nhất