Vai trò của trường Đại học Sư phạm trong việc hỗ trợ hoạt động nghề nghiệp cho giáo viên trẻ ở trường phổ thông


28-01-2019

Trải qua một thời gian khá dài cho đến cuối thế kỉ XX, quan niệm tĩnh trong đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm đã chi phối hệ thống đào tạo giáo viên ở châu Âu và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Triết lí ẩn tàng trong quan niệm đào tạo này được gọi là “triết lí cái ba lô”, với hàm ý đào tạo ban đầu như cái balô, đủ để cung cấp cho giáo sinh kiến thức và kĩ năng cần thiết giúp họ hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và ứng phó với các tình huống cần thiết trong cuộc đời dạy học của mình. Quan điểm giáo dục này không bận tâm đến việc hỗ trợ phát triển đội ngũ giáo viên sau khi ra trường và cũng không quan tâm đến các giai đoạn đào tạo như: đào tạo tập sự, đào tạo tại chức, đào tạo tiếp tục và bồi dưỡng thường xuyên để phát triển giáo viên. Việc phát triển chuyên môn cho giáo viên hoàn toàn phụ thuộc vào sự nỗ lực của cá nhân và được coi là nhiệm vụ của cấp quản lí ở Bộ/Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như từ phía các trường phổ thông. Thực tế đó đã dẫn đến bất cập là giáo viên mới vào nghề còn thiếu nhiều kĩ năng để giáo dục, dạy học và họ đều phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức trước thực tiễn ở trường phổ thông. Tư tưởng bồi dưỡng, phát triển nghề liên tục cho giáo viên phổ thông cũng chưa trở thành nguyên lí trong đào tạo giáo viên ở các trường Đại học Sư phạm. Tuy nhiên, ngày nay các trường sư phạm đang dần thay đổi trong quan niệm về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Đó không còn là một hoạt động khép kín, thực hiện một lần trên ghế nhà trường mà là một hoạt động mở, quá trình phát triển liên tục từ đào tạo ban đầu đến đào tạo tập sự, đào tạo tại chức và bồi dưỡng thường xuyên để phát triển nghề cho giáo viên. Trong đó, hoạt động hỗ trợ nghề nghiệp cho giáo viên là một trong những nhiệm vụ cần được quan tâm. Đặc biệt là đối với giáo viên trẻ - những người vừa mới bước vào nghề - kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cũng như kinh nghiệm dạy học, giáo dục còn non yếu. Bởi vậy, họ rất cần được hỗ trợ để phát triển chuyên môn. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích bốn nội dung chính giúp giáo viên trẻ có đủ năng lực và tự tin khi bước vào nghề, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đó là các vấn đề: Sự cần thiết phải hỗ trợ nghề nghiệp cho giáo viên trẻ ở trường phổ thông; Vai trò, nhiệm vụ của trường Đại học Sư phạm trong việc hỗ trợ hoạt động nghề nghiệp cho giáo viên trẻ ở trường phổ thông; Nội dung hỗ trợ nghề nghiệp cho giáo viên trẻ; Một số hình thức hỗ trợ nghề nghiệp cho giáo viên trẻ.

Sự cần thiết phải hỗ trợ nghề nghiệp cho giáo viên trẻ ở trường phổ thông vì:

  • Giáo viên trẻ là những người vừa mới bước vào nghề, họ không chỉ trẻ về tuổi đời mà còn trẻ về tuổi nghề. Mặc dù họ có tinh thần hăng hái, giàu nhiệt huyết nghề nghiệp nhưng thiếu kinh nghiệm, trải nghiệm qua thực tiễn. Vì thế, họ cần được tiếp tục rèn luyện về nhiều mặt, nhất là năng lực chuyên môn và kĩ năng nghề nghiệp.
  • Những khó khăn khi bắt đầu công việc như các mối quan hệ xã hội, từ vị trí là sinh viên sang vị trí người thầy với các mối quan hệ phức tạp, đa chiều với học sinh, đồng nghiệp, cán bộ quản lí nhà trường, cha mẹ học sinh...; sự thay đổi vị trí, vai trò từ người học sang người dạy, chịu trách nhiệm về việc học của nhiều học sinh và họ còn phải thay đổi cả về môi trường làm việc; sự thay đổi thói quen, tác phong, tâm lí, tư tưởng… Tất cả sự thay đổi trên khiến giáo viên trẻ gặp không ít khó khăn, thách thức. Một giáo viên vào nghề được bốn năm chia sẻ: “Từ giảng đường bước ra bục giảng, mình như đang bơi trong sông, đột ngột ra biển lớn” [5].
  • Những Dạy học và giáo dục như thế nào để đạt được mục tiêu và hiệu quả là nhiệm vụ đầy khó khăn đối với giáo viên mới vào nghề. Vào thời điểm bắt đầu nghề dạy học, những kinh nghiệm của giáo viên thường có được đều từ quan sát và trải nghiệm khi ở vai trò là trong trường phổ thông. Các kiến thức về mặt lí luận và thực tiễn được học từ trường sư phạm chưa đủ giúp giáo viên đạt tới trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực dạy học, giáo dục. Ngay cả chương trình đào tạo giáo viên được thiết kế một cách tốt nhất cũng không đủ để giáo viên trẻ có thể bắt tay ngay vào công việc thực sự của một nhà giáo ngay sau khi tốt nghiệp. Họ gặp rất nhiều khó khăn và thường cố gắng tạo lập phong cách giảng dạy cũng như năng lực chuyên môn thông qua một quá trình thử - và - sai lặp đi, lặp lại mà thường được gọi là “học dạy học qua thực tiễn”. Điều này dẫn tới tình trạng không ít giáo viên trẻ đã bỏ nghề trong những năm đầu. Một ví dụ điển hình cho thấy, giáo viên giáo viên giáo viên  Nguyên nhân chính của tình trạng này là họ thiếu tin tưởng vào năng lực và nghiệp vụ sư phạm của giáo viên trẻ. Như vậy, họ rất cần được giúp đỡ, hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ từ các tổ chức, đồng nghiệp, nhất là từ phía trường Đại học Sư phạm - nơi trực tiếp đào tạo họ.
  • Giáo viên trẻ mới vào nghề còn yếu về năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Họ không chỉ thiếu một số kĩ năng dạy học, giáo dục cần thiết (kĩ năng thiết kế giáo án, kĩ năng phân bố thời gian giảng dạy, kĩ năng diễn đạt, kĩ năng đặt câu hỏi, kĩ năng giáo dục cá biệt, kĩ năng quản lí lớp học, kĩ năng phối hợp với cha mẹ và cộng đồng, kĩ năng xử lí các tình huống sư phạm, kĩ năng lập kế hoạch giáo dục, kĩ năng thiết lập mối quan hệ với )… mà còn rất thiếu kĩ năng mềm (nhất là kĩ năng giao tiếp, kĩ năng kiềm chế cơn nóng giận và kĩ năng giải tỏa cảm xúc tiêu cực) [1;17], [3;448].

Trong một cuộc điều tra giáo viên có thâm niên dưới 5 năm ở 17 trường phổ thông thuộc 8 tỉnh phía Bắc, có 60,7% giáo viên cho rằng, còn thiếu hiểu biết về đối tượng và môi trường giáo dục thực tiễn phổ thông; 60,5% giáo viên cho biết, giáo viên trẻ còn hạn chế về phương pháp, kĩ năng tổ chức dạy học và giáo dục học sinh; 34,3% thừa nhận kiến thức chưa thật sự vững vàng [4]. Một cuộc điều tra khác vào năm 2010 của Trung tâm Tâm lí học - Sinh lí học, Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường ĐHSP Hà Nội cho thấy, trên 195 giáo viên trẻ tốt nghiệp Đại học Sư phạm có thâm niên công tác dưới 5 năm và 69 CBQL, hiện đang công tác tại các trường tiểu học và THPT tại 7 tỉnh, thành phố gồm: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định, Hòa Bình, Đà Nẵng về tự đánh giá của giáo viên trẻ đối với mức độ thực hiện hoạt động nghề nghiệp cũng cho kết quả đáng chú ý: có 65.2% giáo viên thực hiện không tốt hoặc không rõ kĩ năng giải quyết các tình huống sư phạm; 53.6% giáo viên thực hiện không tốt hoặc không rõ kĩ năng sử dụng các phương tiện, trang thiết bị dạy học và giáo dục; 56.5% giáo viên thực hiện không tốt hoặc không rõ kĩ năng giáo dục đạo đức cho học sinh; 73,9% giáo viên thực hiện chưa tốt kĩ năng hòa nhập cộng đồng nơi công tác... [6].

Nhận định về điều này, trên vietnamnet.vn ngày 3/10/2011 có nêu: “Những điều trường sư phạm chưa dạy cô giáo” đã trích lời một Hiệu trưởng trường phổ thông ở Hà Nội: “Kiến thức có nhưng kĩ năng không có là tình trạng chung của những sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm hiện nay. Họ phải theo học nghề vài năm mới có thể tự tin đứng lớp” [5].

Trước thực trạng này, hầu hết giáo viên trẻ đều có nhu cầu được hỗ trợ để hoàn thiện chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của bản thân nhằm đáp ứng công việc và yêu cầu thực tiễn giáo dục phổ thông. Kết quả 2 cuộc điều tra, khảo sát trên đã cho thấy, có 99,7% giáo viên trẻ (giáo viên tập sự) ở 17 trường THPT thuộc 8 tỉnh phía Bắc, gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên và 100% giáo viên trẻ có trình độ đại học hiện công tác tại một số trường tiểu học và THPT thuộc 7 tỉnh, thành phố được khảo sát (Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định, Hòa Bình, Đà Nẵng) có nhu cầu được bồi dưỡng, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ trong thời gian tập sự [4;45], [6;81-87].

  • Giáo viên trẻ thường bị “sốc” và “vỡ mộng” vớithực tế. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, cảm xúcbị “sốc” với thực tế (reality-shock) và bị “vỡ mộng” (dissillusionment) là vấn đề mà đa số giáo viên trẻ trải qua trong những năm đầu mới vào nghề. Đó là “sự sụp đổ” của những kì vọng, những lí tưởng giáo điều được tạo nên từ các chương trình đào tạo giáo viên khi họ phải đối diện với thực tế lớp học hoặc khi đối diện với sự đa dạng về đối tượng với biết bao tình huống phức tạp khác nhau, đặc biệt khi phải đối diện với môi trường làm việc thiếu dân chủ, không hợp tác, đầy sự xung đột, đố kị,... Trong đó, những bên có liên quan như đồng nghiệp, phụ huynh, cộng đồng và xã hội không hỗ trợ, hợp tác và trân trọng những cố gắng của giáo viên.

Tất cả những đặc điểm đã phân tích trên đây cho thấy, việc hỗ trợ nghề nghiệp cho giáo viên trẻ giúp họ thích ứng với công việc mới và có đủ kiến thức, kĩ năng, thái độ nghề nghiệp là vô cùng cần thiết với mục đích: Giúp giáo viên hoàn thiện và phát triển năng lực nghề nghiệp; Làm giảm bớt sự cô lập, gia tăng sự tự tin của giáo viên trẻ; Giúp giáo viên chuyển từ mức độ bình thường đến thành công ban đầu; Mang đến sự thay đổi và phát triển ở cá nhân giáo viên trẻ cũng như sự phát triển của nhà trường, hệ thống giáo dục. 

Vai trò, nhiệm vụ của trường Đại học Sư phạm trong việc hỗ trợ hoạt động nghề nghiệp cho giáo viên trẻ ở trường phổ thông

Trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã coi các trường sư phạm là “cái nóc nhà” của đổi mới giáo dục. Sứ mệnh của các trường sư phạm không chỉ là đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà còn phải có nhiệm vụ hỗ trợ, bồi dưỡng để phát triển năng lực nghề nghiệp suốt đời cho giáo viên. Vì thế, Chương trình ETEP của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn 7 trường Đại học Sư phạm và Học viện Quản lí giáo dục để thúc đẩy việc bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên phổ thông dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Theo Chương trình này, sẽ có khoảng 280 giảng viên sư phạm được lựa chọn từ các trường Đại học Sư phạm chủ chốt được bồi dưỡng, tăng cường năng lực để làm nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên phổ thông cốt cán trong quá trình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục tại trường phổ thông cho các giáo viên khác.

Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề và quan trọng, thể hiện vai trò của những trường sư phạm đầu đàn trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Trong Đề án của Chương trình ETEP đã nói rõ: “Định hướng các trường sư phạm tập trung vào nhiệm vụ bồi dưỡng trong thời gian tới (đổi mới chương trình bồi dưỡng theo hướng dịch vụ phục vụ nhu cầu của địa phương và cá nhân người học)… Hỗ trợ sinh viên sau tốt nghiệp là trách nhiệm của trường sư phạm đối với sản phẩm đào tạo” [2; tr 169].

Như vậy, cùng với việc bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên thì nhiệm vụ hỗ trợ sinh viên sau tốt nghiệp là một trọng trách mới. Để khẳng định vai trò, trách nhiệm của giảng viên các trường sư phạm trong  hoạt động bồi dưỡng, hỗ trợ phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên phổ thông, Thông báo kết luận số 148/TB-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 24/3/2015 tại Hội thảo “Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí của các trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông” đã nêu rõ:  “…điều động giảng viên sư phạm tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu, thử nghiệm khoa học giáo dục ở các trường mầm non, phổ thông… Các hoạt động tại trường phổ thông giảng viên có thể tham gia: Sinh hoạt chuyên môn (theo cụm trường, qua mạng Internet, qua hệ thống mạng Trường học kết nối,...), tham gia làm giám khảo tại các hội thi giáo viên giỏi, tham gia giảng bài (thỉnh giảng), dự giờ, tư vấn, hướng dẫn và tham gia cùng giáo viên/ học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng trong nhà trường...”.

Với vai trò, nhiệm vụ như vậy, các trường Đại học Sư phạm tới đây không còn bị “đứng ngoài cuộc” hay đóng vai trò là lực lượng tham gia mà thực sự đã trở thành lực lượng nòng cốt trong hỗ trợ phát triển nghề nghiệp liên tục của giáo viên . Mối quan hệ gắn kết giữa cơ sở đào tạo giáo viên với trường phổ thông trong việc việc đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo viên được hình thành.  

Nội dung hỗ trợ nghề nghiệp cho giáo viên trẻ

Nội dung này được quyết định bởi những khó khăn và nhu cầu thực tế của từng giáo viên. Tuy nhiên, cần tập trung vào 3 nội dung cơ bản sau:

  • Hỗ trợ kiến thức chuyên môn liên quan đến giảng dạy môn học do giáo viên phụ trách (năng lựcchuyên ngành/ môn học), trong đó, bao gồm cả năng lực nghiên cứu khoa học.
  • Hỗ trợ năng lực dạy học và năng lực giáo dục cho giáo viên (năng lực nghiệp vụ sư phạm).
  • Hỗ trợphát triển các giá trị, đạo đức nghề nghiệp (phẩm chất đạo đức).

Trong các nội dung trên, hỗ trợ để phát triển năng lực nghiệp vụ của nghề (nghiệp vụ sư phạm) cho giáo viên là nội dung quan trọng. Bởi vì, theo các kết quả nghiên cứu gần đây đã chỉ ra: “Những khó khăn mà giáo viên trẻ gặp phải không liên quan nhiều đến kiến thức chuyên môn mà đều là những khó khăn thuộc năng lực sư phạm” [3;448].

Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi đạo đức ở một bộ phận nhà giáo đang xuống cấp, gây nên những bức xúc, dư luận không hay trong ngành Giáo dục mà báo chí đang lên án thì việc tăng cường bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách cho người thầy là thực sự cần thiết.

Một số hình thức hỗ trợ nghề nghiệp cho giáo viên trẻ ở trường phổ thông của các trường Đại học Sư phạm

Hoạt động hỗ trợ giáo viên trẻ được thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau, có những hình thức hỗ trợ trực tiếp mang tính tổ chức chính qui như tham dự các khóa học, khóa tập huấn bồi dưỡng, hội thảo khoa học,… và cũng có những hình thức mang tính chất gián tiếp (từ xa qua mạng Internet, qua tài liệu hướng dẫn…) hoặc hỗ trợ cá nhân dưới sự hướng dẫn, tư vấn của giảng viên sư phạm. Dưới đây chúng tôi đưa ra một số hình thức  mà các trường Sư phạm có thể vận dụng để hỗ trợ nghề nghiệp cho giáo viên phổ thông, cụ thể: 

  • Hỗ trợ thông qua hội thảo/seminar: qua hình thức này, giáo viên trẻ có cơ hội và điều kiện trình bày các vấn đề cũng như nêu ý kiến, quan điểm về những nội dung họ quan tâm. Từ đó, giảng viên các trường sư phạm sẽ trực tiếp định hướng, tư vấn, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho giáo viên trẻ trong những tình huống cụ thể. Mặt khác, giáo viên phổ thông sẽ tiếp thu, học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm mới qua diễn đàn hội thảo.
  • Tập huấn cho giáo viên trẻ: Đây là các đợt bồi dưỡng ngắn hạn do các giảng viên thuộc chuyên ngành của trường Đại học Sư phạm thực hiện cho những đối tượng có nhu cầu hoặc theo yêu cầu của tổ chức/ người quản lí để phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên trẻ. Đây được coi như là một hình thức phổ biến trong việc hỗ trợ năng lực nghề nghiệp cho giáo viên trẻ. Vì vậy, các chương trình tập huấn cho giáo viên trẻ cần được thiết kế rõ gồm: mục tiêu, hoạt động và kết quả mong muốn đạt được. Kết quả này thường là sự phát triển về nhận thức, kiến thức, kĩ năng và tư duy của giáo viên. Hoạt động tập huấn có thể được thực hiện theo những hình thức khác nhau như: tập huấn đại trà, tập huấn cho nhóm giáo viên; tập huấn tại trường sư phạm hoặc cơ sở giáo dục. 
  • Dùng các bài nói chuyện của giảng viên để hỗ trợ chuyên môn: Đây được gọi là các buổi nói chuyện/ diễn thuyết ở trường phổ thông (có thể trực tiếp mặt đối mặt đối với giáo viên, gián tiếp qua băng đĩa, clips, truyền hình). Thông qua các bài nói chuyện, diễn thuyết, giáo viên sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức, kinh nghiệm quí báu của giảng viên.
  • Dự giờ và đóng góp ý kiến cho giáo viên trẻ: Kiến thức chuyên môn, phương pháp và kĩ năng dạy học của giáo viên trẻ sẽ được hoàn thiện và phát triển nếu họ được giảng viên các trường sư phạm trực tiếp dự giờ, góp ý. Các giảng viên dự giờ đóng vai trò “tai và mắt” của người dạy (nghe, quan sát những diễn biến trong tiết học, từ đó đưa ra những nhận xét, góp ý về những hạn chế, thiếu sót cũng như hướng cải thiện giờ dạy sao cho đạt hiệu quả hơn), đây là mô hình hỗ trợ đem lại hiệu quả cao cho giáo viên trẻ.
  • Hướng dẫn, tư vấn nhóm nhỏ hoặc riêng lẻ (cá nhân) là quá trình giảng viên sư phạm hỗ trợ, giúp đỡ một nhóm giáo viên hay một cá nhân giáo viên nào đó nhận ra được tiềm năng của mình cũng như những vấn đề khó khăn của chính họ, từ đó giúp giáo viên phát triển và hoàn thiện năng lực nghề nghiệp. Mục đích của tư vấn là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn giữa giảng viên với giáo viên và trợ giúp cho giáo viên phát triển nghề nghiệp chuyên môn. Đây là mô hình hoạt động tương tác giữa giảng viên với các giáo viên trong nhóm nhỏ, có ưu thế tạo nên động lực từ bên trong mỗi giáo viên để họ phát triển nghề nghiệp.
  • Hướng dẫn giáo viên phát triển chuyên môn qua nghiên cứu bài học. Đối với từng giáo viên trẻ, năng lực nghề nghiệp chỉ có thể được phát triển nhanh chóng thông qua hình thức nghiên cứu bài học tại lớp học - nơi họ giảng dạy. Bởi vì, chỉ có qua những tình huống cụ thể với nhiều đối tượng học sinh, với các điều kiện, môi trường giảng dạy khác nhau giáo viên mới phát hiện ra những vấn đề thiếu hụt của bản thân để từ đó học hỏi, rèn luyện những kĩ năng để ứng phó với thực tế diễn ra trong quá trình dạy học. Hình thức này được xây dựng trên quan niệm cho rằng, một trong những biểu hiện của giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi là khả năng biết soi rọi, đánh giá hiệu quả công việc của chính mình qua nghiên cứu từng giờ học, bài học trên lớp. Công việc này do giáo viên hoặc nhóm giáo viên tự thực hiện dưới sự trợ giúp của giảng viên các trường Đại học Sư phạm. Trong những năm qua, việc hướng dẫn giáo viên phổ thông thực hiện nghiên cứu bài học đã mang lại những kết quả đáng kể như: Nâng cao kiến thức và kĩ năng sư phạm cho giáo viên, giúp họ học được nhiều phương pháp, thủ thuật, kĩ thuật mới; Giảng viên trường sư phạm tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế quý báu để cập nhật vào bài giảng cho sinh viên. Không những thế, qua hoạt động đó mối liên hệ giữa giảng viên, sinh viên và giáo viên ở các trường phổ thông càng gần gũi hơn.
  • Hỗ trợ giáo viên qua mạng Internet: Hiện nay, việc bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên theo hình thức tập trung đang bộc lộ nhiều hạn chế (chi phí lớn, tốn nhiều thời gian, hiệu quả thấp…). Việc hỗ trợ giáo viên từ xa thông qua mạng Internet đem đến nhiều ưu điểm nổi trội, đó là tính linh hoạt (giáo viên có thể học được ở mọi lúc, mọi nơi…); Tính thích ứng cá nhân (phù hợp với trình độ, hoàn cảnh, thời gian); giảm chi phí và thời gian đi lại; tài liệu phong phú và luôn cập nhật;… Hơn nữa, giáo viên có khả năng sử dụng công nghệ thông tin và các mạng xã hội như Email, Facebook, Twitter… rất thành thạo nên thuận lợi cho việc hỗ trợ từ xa. Với những ưu điểm nổi trội trên, các trường Đại học Sư phạm cần xây dựng những nhóm giảng viên có kinh nghiệm ở từng lĩnh vực khác nhau để hỗ trợ giáo viên trẻ thông qua mạng thông tin trực tuyến hoặc cung cấp, chia sẻ tài liệu trợ giúp giáo viên qua mạng Internet,…
  • Hỗ trợ giáo viên qua hệ thống tài liệu có hướng dẫn. Từ lâu, việc biên soạn các tài liệu như: Sách hướng dẫn giảng dạy, sách thiết kế bài giảng, sách hướng dẫn ra đề thi, sách tham khảo dành cho các môn học cũng như hoạt động giáo dục… đã được các trường sư phạm xuất bản khá nhiều phục vụ cho dạy học và giáo dục của giáo viên. Các loại tài liệu này được viết dưới dạng cẩm nang nên được giáo viên coi như nguồn tài liệu hỗ trợ, bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm rất thiết thực, hữu ích. Do đó, thời gian tới các trường Đại học Sư phạm cần đẩy mạnh hoạt động xuất bản để phục vụ nhu cầu tự bồi dưỡng qua sách, tài liệu cho giáo viên.

Tới đây, đội ngũ giáo viên trẻ cũng sẽ là lực lượng tham gia công cuộc đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau năm 2018. Sự thành công của đổi mới giáo dục phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ giáo viên. Với trọng trách là “cái nóc nhà” của đổi mới giáo dục, các trường Đại học Sư phạm không chỉ có nhiệm vụ đào tạo ra đội ngũ giáo viên có đủ năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu thực tiễn giáo dục mà còn phải đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ, bồi dưỡng nâng cao năng lực  nghề nghiệp cho giáo viên phổ thông. Trong thời gian tới, các trường Đại học Sư phạm cần xác định rõ những nội dung cơ bản để hỗ trợ giáo viên theo yêu cầu đổi mới, đồng thời lựa chọn những cách thức, hình thức, con đường hỗ trợ sao cho hiệu quả, phù hợp, giúp họ có đủ tự tin và năng lực khi bước vào nghề cũng như thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Thị Kim Anh, Đổi mới rèn luyện nghiệp vụ sư phạm - một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, Tạp chí Giáo dục số 9/2011.

2. Bộ giáo dục và Đào tạo, Chương trình ETEP, 2016, Các tài liệu phục vụ Chương trình.

3. Nguyễn Thị Kim Dung, Thực trạng năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên trẻ trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông, Hội thảo khoa học quốc tế: “Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông”, Trường ĐHSP Hà Nội, 2016.

4. Nguyễn Văn Lộc, Chương trình hỗ trợ giáo viên tập sự, Đề tài NCKH, Dự án phát triển giáo viên trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2009.

5. Nhã Uyên - Tú Uyên, Những điều trường sư phạm chưa dạy cô giáo. Báo VietNamnet ngày 3/10/2011.

6. Đào Thị Oanh, Nhu cầu của giáo viên trẻ đối với nội dung rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, Kỉ yếu hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên các trường Đại học Sư phạm”, Trường ĐHSP Hà Nội, tháng 01/2010.

TS. Phạm Thị Kim Anh - Viện Nghiên cứu Sư phạm

Người đăng:admin admin
28-01-2019

Tin mới nhất