Bộ Giáo dục tính 5 giải pháp cho năm học 2020-2021


03-09-2020
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021. Trong đó, tăng cường thanh, kiểm tra các trường đại học, nhất là việc thực hiện quy định về quyền tự chủ; công tác tuyển sinh...

Căn cứ các yêu cầu và tình hình thực tiễn của các địa phương, của ngành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ thị toàn ngành giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản trong năm học 2020-2021.

Tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng

Mục tiêu xuyên suốt trong 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục.

Bộ Giáo dục tính 5 giải pháp cho năm học 2020-2021
Năm học 2020-2021, ngành giáo dục phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Ảnh: Thanh Tùng

Cụ thể, các nhiệm vụ được xác định gồm:

Thứ nhất, rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước. Trong đó, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hệ thống  các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở những nơi có điều kiện.

Thứ hai, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Trong đó, có chính sách thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm; quan tâm xây dựng các chính sách, cơ chế mang tính đặc thù phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Thứ ba, ngành giáo dục phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức; lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.

Thứ tư, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Thứ sáu, đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục.

Thứ bảy, hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Trong đó, đẩy mạnh việc thu hút các cơ sở giáo dục nước ngoài có uy tín vào Việt Nam thành lập các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, phân hiệu của các cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc hợp tác, liên kết với các cơ sở giáo dục của Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Thứ tám, tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.

Thứ chín, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Xử lý nghiêm tiêu cực

Từ đó, Bộ GD-ĐT cũng xác định 5 nhóm giải pháp cơ bản được duy trì và phát triển theo hướng trọng tâm, chi tiết. Cùng với hoàn thiện thể chế, tăng cường nguồn lực đầu tư, khảo thí, kiểm định chất lượng và truyền thông, đáng chú ý là nhóm giải pháp “Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục và đào tạo”.

Chỉ thị nêu rõ, triển khai bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, lối sống văn minh đối với cán bộ quản lý giáo dục. Đặc biệt, rà soát các vấn đề trong toàn ngành để chủ động chỉ đạo giải quyết dứt điểm, khắc phục những hạn chế, bất cập.

Trong năm học 2020-2021, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm sẽ được tăng cường. Theo đó, sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin; thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc những vấn đề nóng mà dư luận xã hội quan tâm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học, nhất là việc thực hiện quy định về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình; công tác tuyển sinh, các chương trình liên kết giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo, các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các hoạt động tư vấn du học. Xem xét dừng tuyển sinh các chương trình, các ngành đào tạo không đảm bảo chất lượng.

Chỉ thị nhấn mạnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; tăng chế tài xử phạt đối với một số hành vi vi phạm có tổ chức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động quản lý Nhà nước về giáo dục.

Theo Hải Nguyên (vietnamnet)

Người đăng:Phạm Thị Hiền
03-09-2020

Chuyển động ETEP