5 lời khuyên cho giáo viên mới dạy trực tuyến


17-03-2020
Giáo viên cần chú ý hình ảnh, ánh sáng và kết nối bằng mắt khi giảng online; thường xuyên sử dụng câu hỏi, trắc nghiệm... để tương tác học sinh. Trước dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường học khắp thế giới thông báo đóng cửa, giáo viên chuyển sang dạy trực tuyến dù chưa nhiều kinh nghiệm. Trên chuyên trang công nghệ giáo dục EdSurge, Bonni Stachowiak - chuyên gia tư vấn giáo dục đã đưa ra những chỉ dẫn để giáo viên lưu ý khi bắt đầu thực hiện bài giảng online.

Sử dụng nền tảng video call

Cách dễ nhất để duy trì việc dạy là kết nối và giảng bài qua một nền tảng video call. Đây là cách cổ điển, nhưng dễ thực hiện và tốt hơn so với việc phải nghỉ dạy và học hoàn toàn. Vì vậy, bước đầu tiên là chọn một công cụ hội nghị web (video conference) như Zoom hoặc Skype.

Tư duy ngắn gọn

Môi trường trực tuyến có xu hướng diễn đạt ngắn gọn, vì vậy thầy cô cần cấu trúc lại bài giảng và tiết học phù hợp. Sau phần giảng bài, giáo viên thực hiện những hoạt động khác hấp dẫn hơn cho học sinh, thay vì chỉ để học sinh ngồi và lắng nghe.

Ghi lại phiên dạy trực tuyến 

Khi đã học tập từ xa, không phải học sinh nào cũng có thể online cùng giờ. Để đảm bảo mọi học sinh có thể học, giáo viên hãy ghi lại bài giảng, toàn bộ tiết học và chia sẻ lại cho các em sau khi buổi học kết thúc. Lưu ý, không nên lưu cả một video bài giảng lớn lên một tảng chia sẻ như Dropbox hay Drive, việc này có thể khiến người học mất nhiều thời gian để tải xuống. Giáo viên có thể đưa video lên YouTube, chia sẻ liên kết cho người học.

Học online thay thế cho học trên lớp tại Trung Quốc trong dịch Covid-19.

Học online thay thế học trên lớp tại Trung Quốc trong dịch Covid-19.

Chú ý hình ảnh, ảnh sáng và kết nối bằng mắt khi giảng online

Khi đứng trước một lớp học qua video trực tiếp, hãy đảm bảo giáo viên không đứng trong bóng tối. Trước khi giảng bài trực tuyến, thầy cô cần kiểm tra kỹ webcam, nguồn ánh sáng trong phòng... để ánh sáng chiếu vào mặt, học sinh có thể nhìn rõ giáo viên qua video.

Một điều khác cần lưu ý là thầy cô có thể mô phỏng giao tiếp bằng mắt với học sinh từ xa bằng cách thường xuyên nhìn vào camera. Nhiều giáo viên nhìn vào các tài liệu, giáo án khi đang dạy online, khiến cảm giác kết nối với thầy cô qua màn hình rất ít. Hãy đặt giáo án, tài liệu ở ngay trên màn hình để nhìn vào camera nhiều hơn.

Sử dụng các câu hỏi, trắc nghiệm... để tương tác học sinh

Giữ sự chú ý, tập trung cho người học trực tuyến là một yêu cầu quan trọng. Có nhiều công cụ để đặt ra câu hỏi trắc nghiệm cho học sinh từ xa. Hoặc giáo viên chỉ cần yêu cầu người học trả lời các ý trong phần nội dung bài giảng đã được chia sẻ kèm theo video dạy. Mỗi tiết học trực tuyến cần có ít nhất ba phần nội dung trắc nghiệm hoặc các hoạt động kết nối khác để giữ cho học sinh liên tục tương tác với bài học.

Chuyên gia Stachowiak chia sẻ, việc giảng dạy online có thể xa lạ với nhiều giáo viên, thực tế có một mạng lưới giảng viên đã làm việc này trong suốt thời gian dài. Họ luôn sẵn sàng hỗ trợ để giáo viên truyền thống thực hiện công việc này.

Tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam - nhà sáng lập đơn vị đào tạo trực tuyến FUNiX cũng nhận định, nghỉ học vì dịch Covid-19 là cơ hội để các trường chuyển sang hoạt động trực tuyến và xây dựng thói quen tự học qua internet cho học sinh.

Khi triển khai hình thức giáo dục trực tuyến, theo ông Nam, cần nhấn mạnh việc tự học của học sinh dưới sự theo dõi và quản lý của các thầy cô, nhà trường. Nhà trường có thể tổ chức dạy trực tuyến khi chuẩn bị đủ công cụ: Website, thư viện sách giáo khoa và tài liệu tham khảo số, hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS - Learning Management System), hệ thống công cụ giao tiếp trực tuyến giữa nhà trường và học sinh.

Trong đó, thư viện sách giáo khoa và tài liệu tham khảo số có thể sử dụng bản online của sách giáo khoa, lưu trữ trên các trang lưu trữ tài liệu trực tuyến có sẵn.

Với hệ thống LMS, các công cụ miễn phí như OpenEdx, Google Classroom, không chỉ lưu trữ bài giảng mà còn cho phép nhà trường cấp tài khoản cho học sinh, tạo bài tập, bài kiểm tra, trắc nghiệm... và theo dõi thời gian, tiến độ của từng học sinh.

Công cụ giao tiếp giữa học sinh và thầy cô có thể sử dụng nền tảng có sẵn như Facebook Messenger, Google Hangout, Skype...

"Tất cả hệ thống công cụ trên đều miễn phí hoặc có chi phí thấp. Đội ngũ chuyên gia của FUNiX sẵn sàng hỗ trợ các trường về phương pháp triển khai giảng dạy trực tuyến", ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ.

Nguyên Chương 

Nguồn: VnEspress

Người đăng:Phạm Thị Hiền
17-03-2020

Chuyển động ETEP