Các hoạt động của Trường ĐHSP Hà Nội cần gắn với trách nhiệm, vai trò “đầu tầu” trong hệ thống


28-01-2019
Các hoạt động của Trường ĐHSP Hà Nội cần gắn với trách nhiệm, vai trò “đầu tầu” trong hệ thống

Ngày cập nhật : 21/11/2018

 

 

Ngày 21/11/2018, tại Hà Nội, đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới, Ban quản lý Chương trình ETEP  hỗ trợ kỹ thuật cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đánh giá tiến độ thực hiện các hoạt động Chương trình ETEP trường năm 2018, theo kết quả chỉ số giải ngân.

Tham dự cuộc làm việc có PGS. TS. Đặng Xuân Thư, Phó Hiệu trưởng nhà trường, Trưởng Ban quản lí Chương trình ETEP Trường ĐHSP Hà Nội, TS Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Chương trình ETEP, bà Võ Kiều Dung, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới và các thành viên đoàn công tác của ba đơn vị.

Đoàn công tác đã nghe nhà trường báo cáo tiến độ thực hiện chương trình ETEP trường; Công tác phát triển chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho GV & CBQLCSGDPT và phát triển các chương trình đào tạo cử nhân sư phạm.

Đại diện Trường ĐHSP Hà Nội báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình ETEP năm 2018.

PGS. TS. Đặng Xuân Thư, Phó Hiệu trưởng cho biết, trường đã xây dựng 12 chương trình đào tạo nhằm giúp giáo viên thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới, đáp ứng chuẩn quốc tế. Ba chương trình bồi dưỡng giáo viên đang xây dựng cũng nhắm tới mục tiêu giúp giáo viên thích ứng được với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về chiến lược phát triển năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang triển khai 3 nhóm nghiên cứu KHGD; Mở 2 khoá bồi dưỡng về Công bố quốc tế,1 khoá học về bồi dưỡng quản trị đại học. Sắp tới, trường dự định mở 1 khoá bồi dưỡng về NCKHGD. Theo ông Thư, trường xác định nhóm năng lực cần phát triển trong bối cảnh yêu cầu tự chủ đại học, đó là năng lực quản trị đại học.

Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới đánh giá, trường ĐHSP Hà Nội đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ của ETEP và khuyến nghị, các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình ETEP của trường cần gắn với trách nhiệm, vai trò “đầu tầu” của trường trong hệ thống; Nhà trường nên chia sẻ với Ban quản lý Chương trình ETEP và các trường khác các sáng kiến của mình về nghiên cứu khoa học giáo dục, đánh giá nhu cầu bồi dưỡng cũng như kết nối với các sở giáo dục, trường phổ thông, để có thể học hỏi, triển khai với các bên liên quan một cách hiệu quả, kịp thời.

Chiều cùng ngày, đoàn công tác tham dự buổi toạ đàm, tham vấn các bên liên quan về chương trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông với sự tham gia của đại diện các sở, phòng giáo dục và trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội, bao gồm: Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, Trường Tiểu học Dịch Vọng B,  Trường THCS Cầu Giấy; Sở GD-ĐT Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Nội và Phòng GD quận Cầu Giấy.

Nhiều ý kiến tâm huyết về nội dung, cách thức bồi dưỡng GV&CBQLGD, tiêu chuẩn lựa chọn cốt cán được bàn thảo sôi nổi. Việc kết hợp hai hình thức bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến; Bồi dưỡng về quản trị nhà trường, quản trị tài chính, nguồn nhân lực đáp ứng đổi mới giáo dục; Vấn đề ai là người bồi dưỡng, bố trí thời gian bồi dưỡng hợp lý, cách quản lý việc tự bồi dưỡng của giáo viên, cách đánh giá cũng được các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tham dự toạ đàm …nêu ra, bàn thảo đầy trách nhiệm.

ĐTH

 

 

 

 


Nguồn: ETEP TW Người đăng:SuperUser Account
28-01-2019

Chuyển động ETEP